Đa số chủ trọ như 'ông vua con', tự làm luật bóc lột tận cùng người thuê trọ

Mỗi khu trọ giống như một xã hội thu nhỏ tự trị, mà ở đó, chủ trọ là người ra luật, người thuê không có quyền lựa chọn, hoặc cắn răng chấp nhận, hoặc...ra đường.

Đọc bài Dân mạng lên án, tẩy chay chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách giữa mùa dịch, tôi chợt hiểu vì sao người ta lại gọi đồng tiền là: tiền tệ, tiền bạc.

Xem video, nghe giọng cô gái khóc nghẹn xin chủ nhà chia sẻ trước khó khăn, nhưng chủ nhà vẫn kiên quyết nói cô đã vi phạm hợp đồng mà thấy xót xa cho cô gái trẻ. Rõ ràng, về lý chủ nhà không sai, nhưng về tình thì quả là… cạn lời.

Khi Chính phủ và cả cộng đồng đang quan tâm, kêu gọi ủng hộ, chia sẻ nghĩa cử cao đẹp với khó khăn của người dân trong dịch bệnh thì bà chủ nhà lại…“đục nước béo cò”, nhân cơ hội này dồn cô gái trẻ vào chân tường với chiếc roi mang danh “theo đúng hợp đồng thỏa thuận”.

(Ảnh chụp màn hình)

(Ảnh chụp màn hình)

Không ai muốn dịch bệnh xảy ra và chắc chắn cô gái trẻ kia cũng không muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nhất là khi cô đã thuê và trả tiền nhà đầy đủ 14 tháng qua.

Hành vi sẵn sàng đuổi cô gái ra khỏi nhà khi chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày và vin vào việc ai phá hợp đồng trước thì phải mất tiền cọc trong tình hình dịch bệnh như vậy thể hiện lối sống không có tình người, hệt như những bà hội đồng trong thời phong kiến xưa tìm cách bắt chẹt những người yếu thế, lợi dụng mọi thời cơ để dồn họ đến bước đường cùng.

Những ngày qua, COVID-19 làm cho toàn thế giới điên đảo, người dân khắp nơi đứng ngồi không yên, sống trong lo lắng. Sự tàn phá của dịch bệnh gây ra những tổn thất về kinh tế, tài chính từ các doanh nghiệp, công ty cho đến các nhân viên, người thuê mặt bằng, người lao động nghèo…là không hề nhỏ.

Thật may, trong khó khăn tình người tỏa sáng. Những câu chuyện, hành động ấm tình người liên tục được sẻ chia trên khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội, tạo nên những giá trị nhân văn, tử tế của mỗi người dân Việt.

Mỗi khu trọ giống như một xã hội thu nhỏ tự trị, mà ở đó, họ là những người đứng đầu ra luật, người thuê trọ sẽ không có quyền lựa chọn, hoặc là cắn răng chấp nhận, hoặc là... ra đường.

Đó là các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Các tình nguyện viên với những bữa ăn vội, giấc ngủ vội trên vỉa hè gây xúc động về nhiệt tâm phụng sự, góp sức vì đồng bào.

Đó là mẹ Việt Nam anh hùng gần trăm tuổi nhưng vẫn cặm cụi mỗi ngày may khẩu trang vải tặng cho bà con.

Là nhiều cụ bà cùng những người lao động nghèo lặn lội vượt quãng đường xa đến xin đóng góp gạo, rau; là các em thiếu nhi hạnh phúc khi đập lợn đất, gom tiền tiết kiệm đóng góp chống dịch; là những chủ nhà đi gõ cửa từng phòng trọ hỏi thăm tình hình và thông báo miễn tiền thuê cho khách đến khi nào hết dịch bệnh...

Cứ thế, mỗi người dân đều tự nguyện và hạnh phúc khi được góp có thể là vật chất, có thể là sức lực, là hành động, việc làm tử tế, tích cực trong khả năng của mình, góp phần nối vòng tay lớn cùng cả nước, chia sẻ cùng cộng đồng vượt qua khó khăn.

Tất cả đều tin mình đã có những hành động, lựa chọn đúng đắn trong thời điểm khó khăn trước dịch bệnh này. Đó chính là biểu hiện của tinh thần yêu nước, thương nòi.

Vậy mà tiếc thay, cũng là con người trong thời dịch bệnh, nhưng bên cạnh những bức tranh với gam màu ấm áp tình người, vẫn còn những vệt đen hằn lên như cách hành xử thất đức của bà chủ trọ nêu trên.

Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ là một trong số vô vàn những chủ trọ thất đức tồn tại ở xã hội này.

Thực tế, họ đã chọn lối sống “đàn áp, bóc lột” dựa vào thế ở trên: “Ta là chủ, ta có quyền đặt ra luật và làm luật”. Đó cũng chính là sống của đại đa số các chủ nhà trọ trong suốt nhiều năm qua.

Họ là những kẻ tự cho mình được "độc quyền" phân phối những thứ cơ bản, thiết thực nhất trong cuộc sống là: điện, nước và nhu yếu phẩm. Đó là miếng mồi béo bở mà những chủ trọ không bao giờ bỏ qua.

Họ ép người thuê phải sử dụng dịch vụ của mình với cái giá "cắt cổ" tự đặt ra. Có khi là gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá chung của nhà nước.

Mỗi khu trọ giống như một xã hội thu nhỏ tự trị, mà ở đó, họ là những người đứng đầu ra luật, người thuê trọ sẽ không có quyền lựa chọn, hoặc là cắn răng chấp nhận, hoặc là... ra đường.

Hỏi bất kỳ ai đã trải qua thời sinh viên, cảnh xa nhà trọ học ở Hà Nội, TP.HCM hay các thành phố lớn khác, việc chủ nhà đặt một giá điện gấp đôi, gấp ba so với giá bình thường là lối kinh doanh mang tính bóc lột công khai mà bản thân tôi và bao thế hệ anh chị em, bạn bè tôi đã trải qua.

Vậy mà suốt nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn tồn tại và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực của Chính phủ cũng chỉ nằm trên những văn bản, giấy tờ.

Các chủ nhà trọ vẫn ngang nhiên tăng giá vô tội vạ nhằm trục lợi mà không hề bị pháp luật xử lý, hoặc mức xử phạt quá ít, chẳng bõ bèn gì so với thu nhập của họ. Bởi vậy họ mới nhơn nhơn, tự cho mình quyền hành, bóc lột người thuê trọ như những ông vua con ở xứ sở của mình.

Đã đến lúc cần phải có những chế tài, những biện pháp mạnh mẽ để những "ông vua, bà chúa" kia không thể lộng hành, giẫm đạp lên quy định của pháp luật và người thuê trọ để trục lợi cho cá nhân.

Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã nêu rõ: "Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định, trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt".

Pháp Đăng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-kien/da-so-chu-tro-nhu-ong-vua-con-tu-lam-luat-boc-lot-tan-cung-nguoi-thue-tro-ar539655.html