Đá rơi đe dọa cuộc sống người dân dưới chân núi Ba Hòn

Rạng sáng 8/10, hơn 200 hộ dân sinh sống dưới chân núi Ba Hòn thuộc tổ 7, 8A và 8B, khu phố Hòa Lập, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) rất lo lắng khi đá từ trên núi rơi xuống phía sau nhà bà Nguyễn Thị Mai (tổ 8B), khu phố Hòa Lập.

Rất may vụ đá rơi này không gây thiệt hại về người. Chính quyền các cấp tại địa phương đang gấp rút tổ chức di dời người dân khu vực này đến nơi an toàn.

Những hòn đá to đã rơi vào nhà dân gây thiệt hại về người và của.

Những hòn đá to đã rơi vào nhà dân gây thiệt hại về người và của.

Sống trong lo sợ

Chỉ tay về phía hòn đá mới rơi phía sau nhà, bà Nguyễn Thị Mai cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đang sống trong vùng sạt lở núi đá Ba Hòn rất nguy hiểm; luôn trong tâm trạng thấp thỏm vì đá trên núi rơi xuống không thể lường trước được, nhất là khi trời mưa to, gió lớn, những hòn đá lớn phía trên có thể rơi bất kỳ lúc nào…”.

Hầu hết người dân sống ở dưới chân núi Ba Hòn rất lo lắng khi nguy cơ nhiều hòn đá có “chân” (hòn đá nhô ra khỏi vách núi - PV) sẽ rơi xuống. Tại tổ 7B, cách đây gần 2 tháng, vào trưa 18/7, hai gia đình ông Nguyễn Văn Dương và Võ Thanh Phong kề sát nhau cùng lúc bị 2 hòn đá nặng hàng tấn rơi vào nhà, rất may không gây thương vong về người.

Ông Nguyễn Văn Dương kể lại: “Hòn đá to nặng rơi trúng nhà tôi vào thời điểm mấy đứa con của tôi thường đang ngủ trưa. Tuy không gây hại về tính mạng, nhưng tài sản hai gia đình thiệt hại khoảng 20 triệu đồng”.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ 7, khu phố Hòa Lập, hiện có rất nhiều viên đá "hở chân" trong khi những tháng cao điểm của mùa mưa từ tháng 6 - 10 rất dễ xảy ra sạt lở. “Tôi mong muốn Nhà nước di dời cấp tốc để người dân khỏi lo đêm hôm mưa gió không biết đá rơi lúc nào”, ông Hoàng đề nghị.

Núi Ba Hòn là núi đá vôi nằm ngay cửa biển Ba Hòn. Hiện nay, bằng mắt thường có thể thấy vách núi nhiều chỗ dựng đứng, đá vôi đủ mọi kích cỡ xếp tầng lớp, ngổn ngang, xung quanh đủ loại cây cỏ đã bị bật gốc.

Ở bên dưới chân núi, người dân sinh sống các nghề chủ yếu là đánh bắt thủy sản ven bờ, vá lưới, đánh lưới ghẹ, lột ghẹ. Chia sẻ với phóng viên, những hộ dân ở đây cho biết, do cuộc sống khó khăn, không nhà cửa, đất đai, nên chưa có điều kiện di dời. Hơn nữa, người dân chuyển đến nơi khác sẽ không có công ăn việc làm nên buộc lòng bám trụ sinh sống ở đây.

Cấp thiết triển khai công tác di dời

Hơn 200 hộ dân sinh sống dưới chân núi Ba Hòn chịu cảnh sạt lở đá nguy hiểm từ nhiều năm nay.

Ông Lê Ngọc Dính, Trưởng khu phố Hòa Lập, cho biết: Chính quyền huyện Kiên Lương đã chuẩn bị cơ sở vật chất như nền nhà, điện, nước, đường giao thông... để đưa người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm dưới chân núi Ba Hòn. Khu tái định cư cũng nằm trong khu phố Hòa Lập cách đó chưa đầy 1 km đã sẵn sàng đón người dân về ở.

Trước đó, từ năm 2012, UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương di dời người dân dưới chân núi Ba Hòn bị sạt lở. Ông Lê Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, cho biết: “Lãnh đạo huyện Kiên Lương đang tập trung rất quyết liệt và cương quyết thực hiện di dời các hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm dưới chân núi Ba Hòn thuộc khu phố Hòa Lập. Theo phương án di dời của huyện đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, chúng tôi triển khai thực hiện 2 giai đoạn. Hiện huyện tập trung thực hiện giai đoạn 1 - di dời khẩn cấp khỏi khu vực sạt lở 112 hộ đến khu tái định cư đã được bố trí sẵn với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, điện, nước đã hoàn chỉnh”.

Theo ông Lê Thanh Hưởng, bước đầu qua xét duyệt có 49/112 hộ đủ điều kiện di dời, UBND thị trấn Kiên Lương đã niêm yết danh sách. Sau đó, sẽ thực hiện di dời khi hết thời hạn niêm yết là ngày 16/10/2018.

Các hộ chưa đảm bảo các thủ tục theo quy định, huyện đang lập danh sách xin ý kiến của UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan. Ở đây, công tác di dời còn gặp khó khăn khi một số hộ dân chưa muốn di dời đòi hỏi chính sách ngoài quy định của pháp luật, tìm cách né tránh… Chủ trương của UBND huyện Kiên Lương là công tác di dời thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc đã thành lập các tổ công tác theo dõi tình trạng sạt lở và xét duyệt các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ di dời theo quy định, huyện Kiên Lương còn thường xuyên kết hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang trong công tác di dời; đảm bảo hỗ trợ: 20 triệu đồng/hộ; 30 kg gạo/người/tháng, trong thời gian 12 tháng; hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ để ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện việc hỗ trợ nền tái định cư (khoảng 100 m2/nền) để các hộ di dời an tâm có điều kiện sinh sống tốt hơn sau khi chuyển chỗ ở.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Ngọc Dính, Trưởng khu phố Hòa Lập cho rằng: “Cần cương quyết sớm di dời để người dân yên tâm; đề nghị lãnh đạo thị trấn, huyện Kiên Lương, thực hiện càng sớm càng tốt, tránh để những điều đáng tiếc xảy ra”.

Bài và ảnh: Hồng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/da-roi-de-doa-cuoc-song-nguoi-dan-duoi-chan-nui-ba-hon-20181010171551667.htm