Đa phương tiện - xu thế tất yếu của các tòa soạn báo

Sự ra đời của báo mạng điện tử tạo ra kênh truyền thông đa phương tiện như một luồng gió mới tác động trực tiếp tới ngành báo chí, làm đổi mới bộ mặt báo chí truyền thông, thay đổi tư duy của người làm báo, và thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận thông tin của công chúng xã hội. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là mục tiêu hướng đến của các tòa soạn báo hiện nay.

Xu hướng tích hợp đa phương tiện

Trong những năm gần đây, ứng dụng đa phương tiện trong báo chí truyền thông đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trên báo mạng điện tử đã thể hiện rõ tính ưu việt trong cung cấp thông tin đa dạng, với đa phương thức chuyển tải thông tin đến với công chúng. Các báo mạng điện tử ở Việt Nam tuy mới ra đời và mới tiếp cận truyền thông hiện đại nhưng đã có bước phát triển vượt bậc. Sản phẩm báo chí truyền thông của nhiều cơ quan báo chí đã và đang đi theo hướng truyền thông đa phương tiện, tức là sử dụng nhiều phương thức truyền tải thông tin tích hợp, bổ trợ lẫn nhau trong cùng một sản phẩm báo chí của báo mạng điện tử, tạo nên tính hấp dẫn, khách quan, chân thực hơn và dễ hiểu hơn.

Tại các cơ quan báo chí, báo mạng điện tử tích hợp các loại hình báo chí như báo in, báo hình, báo mạng điện tử, báo phát thanh. Sản phẩm báo mạng điện tử là sản phẩm truyền thông số tùy biến cho các thiết bị tiếp nhận thông tin như: Máy tính, thiết bị di động, thiết bị thông minh...

Theo PGS,TS. Hà Huy Phượng - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhờ có sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, internet kết nối thông tin toàn cầu mà đa phương tiện phát triển. Đa phương tiện ứng dụng trong lĩnh vực báo chí có thể hiểu, đó là khả năng hội tụ, tích hợp đa loại hình sản phẩm truyền thông – báo chí trong một tòa soạn. Nó có khả năng chuyển tải đồng thời dữ liệu bằng đa mã ngôn ngữ (text, ảnh, đồ họa, audio clip, video clip) và sự tương tác đa chiều. Mặt khác, nó được vận dụng tối đa sự tiến bộ của công nghệ vào sản xuất sản phẩm cũng như quản trị toàn bộ tòa soạn, quy trình sản xuất sản phẩm báo chí. Khi hình thành tòa soạn hội tụ truyền thông đa phương tiện sẽ hình thành mô hình nhà báo đa năng, tức là nhà báo đó có khả năng thích ứng tạo ra các tác phẩm và sản phẩm theo từng loại hình báo chí. Điều này, cách thức làm báo “đơn năng” sẽ không đáp ứng được. Đây cũng chính là sự đòi hỏi các nhà báo tác nghiệp theo phong cách truyền thống phải thay đổi, đáp ứng được tính chất làm báo hiện đại, đa phương tiện hiện nay.

Mới đây, trong Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng xác định phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Xu thế tất yếu

Đứng ở góc độ cơ quan báo chí, các nhà quản lý cũng nhìn nhận truyền thông đa phương tiện là mục tiêu các cơ quan báo chí đã và đang thực hiện.

Theo ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, phát triển sản phẩm truyền thông đa phương tiện là một xu thế tất yếu của báo chí truyền thông hiện nay. Nếu cơ quan báo chí nào xem nhẹ việc này, không chịu đầu tư, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin đa chiều của công chúng thì cơ quan báo chí đó sẽ đánh mất đi lượng công chúng của mình. Vì thế, việc nghiên cứu phương thức tổ chức, quản lý sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện là cần thiết để phát triển hơn nữa báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay.

"Xu thế hiện nay, nếu không phát triển truyền thông đa phương tiện thì không thể tồn tại và phát triển được. Vì lý do rất đơn giản là các loại hình báo chí truyền thống ngày càng giảm người đọc, người nghe, người xem. Cho nên báo chí chỉ có thể tiếp tục phát triển nếu như thích nghi với thời kỳ mới, thời kỳ internet, kỷ nguyên số hiện nay"- ông Lê Xuân Trung nhận định.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Tri Thức, Vụ trưởng, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản cho biết, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nhu cầu xem, nghe, đọc của công chúng có sự biến đổi khá nhanh và cân bằng. Thậm chí, sự xem, nhìn còn lấn át sự đọc, kể cả trên báo mạng điện tử. Chính vì vậy, các tòa soạn báo chí đều hướng đến mục tiêu đa phương tiện trong việc tổ chức sản phẩm báo chí, thậm chí là trong từng tác phẩm báo chí cụ thể, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu đa dạng, mong muốn nắm bắt nhanh những thông tin chính, quan trọng trong đời sống xã hội của công chúng. Có thể khẳng định rằng, cách thức tổ chức thông tin với tổ hợp văn bản (text), hình ảnh, audio, video, thông tin đồ họa, những nội dung mang tính tương tác... rất dễ dàng trong việc chuyển tải thông tin, cũng như tiếp cận công chúng một cách nhanh chóng, ấn tượng, đáng nhớ.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tri Thức cũng lưu ý, dù dưới hình thức chuyển tải thông tin như thế nào đi nữa, đối với các cơ quan báo chí, nội dung luôn luôn phải được coi trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ có những thông tin nhanh chóng, chính xác, khách quan, nhân văn, có giá trị, có ích, thiết thân, gần gũi với đời sống xã hội mới giúp cơ quan báo chí thu hút, giữ chân được công chúng; được công chúng tin yêu, đón nhận... Tất nhiên, khi có được những sản phẩm báo chí, cơ quan báo chí đa phương tiện được tổ chức với nội dung tốt, hình ảnh và video đẹp, ấn tượng, sát thực, audio rõ ràng, có liên quan, bổ trợ tốt cho nội dung văn bản... thì là điều lý tưởng. Và đó chính là điều mà các cơ quan báo chí đã, đang và sẽ hướng tới…

Hiện nay, phương tiện, kỹ thuật cho phép kết nối Internet vạn vật nhanh chóng, nhu cầu của bạn đọc ngày càng nâng cao. Vì thế, báo mạng điện tử cần thực hiện sản phẩm truyền thông đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu của công chúng và cũng là để phát triển chính mình, nếu như không muốn tụt hậu.

PGS,TS. Hà Huy Phượng - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Đa phương tiện ứng dụng trong lĩnh vực báo chí có thể hiểu đó là khả năng hội tụ, tích hợp đa loại hình sản phẩm truyền thông – báo chí trong một tòa soạn. Nó có khả năng chuyển tải đồng thời dữ liệu bằng đa mã ngôn ngữ (text, ảnh, đồ họa, audio clip, video clip) và sự tương tác đa chiều. Mặt khác, nó được vận dụng tối đa sự tiến bộ của công nghệ vào sản xuất sản phẩm cũng như quản trị toàn bộ tòa soạn, quy trình sản xuất sản phẩm báo chí.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/da-phuong-tien-xu-the-tat-yeu-cua-cac-toa-soan-bao-106686.html