Đa phương tiện - bước phát triển tất yếu

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tạo không ít thách thức cho các ngành nghề, trong đó có nghề báo. Trong bối cảnh đó, việc chuyển dịch sang đa phương tiện là xu hướng tất yếu của cơ quan báo chí.

Làm báo bằng robot

Thông tin được đưa ra tại Chương trình Chính sách và Đối thoại "Báo chí dưới tác động của cuộc CMCN 4.0" do Báo Công Thương tổ chức mới đây cho thấy, khi nói đến CMCN 4.0 và báo chí, nhiều người đã nhắc đến việc làm báo bằng trí tuệ nhân tạo và robot. Hãng tin AP của Mỹ là một trong những hãng tin đầu tiên sử dụng robot để viết tin vào cuối năm 2015 và hiện nay nhiều cơ quan báo chí như Kyodo, Tân Hoa Xã… đều đã sử dụng robot để viết tin. Nhiều tờ báo lớn cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng tương tác với người dùng. Ví dụ, sau khi đọc xong 1 tin đăng trên BBC sẽ có 1 phần chatbox ở phía dưới và khi người đọc tương tác sẽ có sự giới thiệu từ tin nọ đến tin kia, giúp người dùng dễ tìm kiếm các nội dung quan tâm.

Riêng với báo chí, hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng để viết các tin thể thao, tài chính, chứng khoán và linh hoạt đến độ sản xuất rất nhanh. Nếu một phóng viên bình thường, nhanh nhất cũng phải mất 15 phút để sản xuất một tin. Còn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian này được tính bằng phút hoặc giây. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể làm được nhiều việc con người không làm được như có thể sản xuất được hàng trăm nội dung khác nhau từ một sự kiện với tính cá nhân hóa rất rõ rệt.

Trên đây là hai ví dụ cụ thể cho thấy những tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 đến với báo chí. Ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) - nhận định, CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho người làm báo nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Cụ thể, CMCN 4.0 tạo môi trường thuận lợi cho các kỹ năng làm báo được phát huy. Trên nền tảng internet, tính chất CMCN 4.0 là sự kết nối rộng rãi, phong phú, kể cả kết nối thực với ảo, sử dụng trí tuệ thông minh. Trong môi trường đó, người làm báo có thể sử dụng tất cả những thành quả về công nghệ phục vụ cho quy trình làm báo.

Đồng thời, trên nền tảng internet, tri thức là nguồn dữ liệu khổng lồ và sự kết nối làm cho người dùng có thể dễ dàng khai thác được kho tàng trí tuệ của nhân loại. Ngoài ra, làm báo đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận với công chúng nhanh nhất và dễ dàng nhất. CMCN 4.0 đã tạo nên môi trường thuận lợi đáp ứng được các yêu cầu đó thông qua các ứng dụng mạng xã hội.

Cùng với những thuận lợi, thách thức cũng đến bởi đòi hỏi nhà báo phải tự thích ứng với môi trường đa phương tiện, đa dạng phương thức biểu đạt. Trước hết, tính tương tác với công chúng đòi hỏi người làm báo phải nhanh nhạy hơn, hiểu biết rộng rãi và kiến thức phong phú hơn.

Thứ hai, nhắc đến CMCN 4.0, sử dụng công nghệ là đòi hỏi bắt buộc. Nếu nhà báo không tự vươn lên, không thành thạo trong việc sử dụng thiết bị thông minh, phương thức làm báo hiện đại, không thể vươn lên được.

Thứ ba, trên nền tảng CMCN 4.0, kho tàng nhân loại là vô bờ bến, đòi hỏi nhà báo phải làm chủ thông tin, không để bị bơi trong bể thông tin mà không thể định hướng, không để mạng xã hội dẫn dắt.

Cuối cùng, thách thức là môi trường làm báo hiện đại, kết nối khiến nhà báo dễ đi vào sức ép của thị trường và thời gian làm báo. Do đó, có thể thiếu kiểm soát, kiểm chứng khi đưa tin.

Báo chí đa phương tiện trong bối cảnh CMCN 4.0

Dù mang đến không ít thách thức nhưng không thể phủ nhận được rằng CMCN 4.0 đang tạo ra những nền tảng quan trọng, thuận lợi cho các cơ quan báo chí phát triển truyền thông đa phương tiện - phương thức làm báo quan trọng để giữ chân người đọc trong bối cảnh hiện nay. Không đơn giản là cách ghép hữu cơ như ghép văn bản, ảnh và video để trở thành một tác phẩm đa phương tiện mà đa phương tiện trong báo chí hiện đại là làm sao xây dựng và giúp người đọc có trải nghiệm xuyên suốt, nhẹ nhàng, giúp người đọc hiểu và cảm nhận rõ hơn tác phẩm của mình với nhiều phương tiện khác nhau như văn bản bao gồm cả đồ họa, timeline, photo slideshow, video… được đưa vào bài một cách uyển chuyển và đa dạng.

Thực tế tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) – một trong những cơ quan báo chí đi đầu nước ta về phát triển truyền thông đa phương tiện cho thấy, từ năm 2014, TTXVN đã áp dụng máy bay điều khiển từ xa phục vụ cho công tác làm báo; năm 2010 áp dụng đồ họa và đồ họa tương tác; năm 2015 áp dụng ảnh và video 360 độ; năm 2016 áp dụng long-form và mega-story (một hình thức bài viết báo chí dài, tích hợp nhiều hình ảnh, video…). Với những tác phẩm được đầu tư chỉn chu, người đọc rất thích thú với các tác phẩm này. Thời gian lưu lại trên mỗi tác phẩm của người đọc lên đến 5 phút, cá biệt có những tác phẩm lên đến 12 phút, thay vì chỉ vài phút như các tin, bài bình thường khác.

Ông Trần Bá Dung nhấn mạnh thêm, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 21/6/2018 tới đã in đậm dấu ấn CMCN 4.0 khi rất nhiều công nghệ và phương thức làm báo mới đã được gửi đến dự giải. Trong đó nhiều tác phẩm theo thể loại long – form, mega - story đã đạt giải cao. Điều đó cho thấy báo chí không những bắt kịp nhanh mà còn bắt kịp hiệu quả những thành tựu của CMCN 4.0, không chỉ đầu tư công nghệ hiện đại mà còn đầu tư chất xám. "Những tác phẩm làm theo công nghệ mới được giải cao đã cho thấy sự phát triển rất nhanh và chắc chắn của Báo chí cách mạng Việt Nam" – ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Dưới góc độ là chủ một doanh nghiệp cung ứng phần mềm cho báo điện tử, ông Phan Dũng Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Giải pháp mạng và Truyền thông Bầu Trời Sáng - cho hay, trong khoảng 5 năm trở lại đây, báo điện tử vẫn đang phát triển tốt. Nhiều phần mềm hỗ trợ cho nhà báo tăng tính tương tác với độc giả, đa dạng hình thức thể hiện đã được các báo áp dụng. Đây cũng là xu hướng sẽ được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/da-phuong-tien-buoc-phat-trien-tat-yeu.html