Đã nên phát triển 5G?

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự kiến sẽ công bố kế hoạch phát triển 5G vào tháng 1-2019. Như vậy, chỉ sau gần hai năm khi chính thức thương mại hóa 4G, chúng ta đã lên kế hoạch để phát triển 5G. Ðiều này liệu có phải là quá sớm?

Theo các chuyên gia, để khẳng định sớm hay muộn cần nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam, nhu cầu ứng dụng hiện tại và tương lai cũng như đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới. Hiện nay, với việc công nghệ và tiêu chuẩn 5G sẽ sớm được thiết lập, các hệ thống mạng 5G thương mại có thể sẽ được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới vào năm 2020.

Do đó, ngay từ bây giờ, nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần xem xét đến việc triển khai 5G để bắt kịp xu hướng phát triển này. Bởi Việt Nam triển khai 4G đã khá chậm so với nhiều nước trong khu vực; còn với 5G, cần phải bắt nhịp và triển khai kịp thời với các quốc gia cận kề. Như vậy, có thể nói, hiện nay chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam bắt đầu xây dựng chiến lược cho việc phát triển 5G trong tương lai.

Bên cạnh đó, 5G sẽ mang lại rất nhiều ứng dụng tiềm năng khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là kết nối thoại, dữ liệu như với 4G. Với đặc tính là độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, 5G sẽ tạo ra vô số cơ hội ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau như IoT (in-tơ-nét vạn vật), đô thị thông minh, y tế thông minh,… Do đó, dù tình trạng hiện tại Việt Nam có đang dư thừa dung lượng 4G, nhưng không có nghĩa sẽ không thể triển khai 5G, bởi mô hình kinh doanh của công nghệ mới này sẽ hoàn toàn khác.

Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhìn nhận sự phát triển 5G là xu hướng tất yếu ở mức cao hơn để đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn. Trong đó, đặc biệt cần chú trọng đến sự phát triển dịch vụ hài hòa ở từng khu vực khác nhau như nông thôn, thành phố với các đối tượng người dùng khác nhau. Mặt khác, các chuyên gia cũng lưu ý, việc phát triển 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ sẵn có gây lãng phí. Hiện rất nhiều quốc gia đang phát triển mạnh OTT, IoT… và đang cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của 3G, 4G để tương lai tiến lên 5G. Chính vì vậy, cho dù khi phát triển lên 5G thì trên thực tế vẫn cần sử dụng đến các công nghệ nền tảng 2G, 3G, 4G để hỗ trợ. Ðặc biệt, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển 5G. Phải mở cửa để tạo cơ hội cho 5G nhảy vào các lĩnh vực như phát triển tòa nhà thông minh, đô thị thông minh, dịch vụ vi-đê-ô trực tuyến,…

Việc chuyển đổi lên 5G ở Việt Nam sẽ khác từ 3G lên 4G. Nếu như "động lực" từ 3G lên 4G là đáp ứng nhu cầu truy cập trên thiết bị di động thông minh thì 5G sẽ tạo ra những mô hình kinh doanh mới, hiện đại như bác sĩ số, ô-tô tự lái hay ngôi nhà thông minh,… Vì vậy, trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở nên hiện hữu, việc tính toán và chuẩn bị cho 5G không bao giờ quá sớm trong quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông quốc gia, từ đó tạo lập nền tảng cần thiết cho những bước đi hiệu quả lâu dài, mang tính cơ bản cho tương lai phát triển công nghệ thông tin của đất nước.

CHÍ CÔNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/38567802-da-nen-phat-trien-5g.html