Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Mục tiêu của đề án 'Thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2035' có 80% trở lên xã, phường (hoặc cộng đồng) hoặc thôn/làng quê; trường học và cơ sở giáo dục; công sở, nhà máy, xí nghiệp, trên phương tiện giao thông công cộng có nội quy, quy định về an toàn, không quấy rối tình dục và bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ Công an thành phố Đà Nẵng đi tuyên truyền về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình và chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em

Phụ nữ Công an thành phố Đà Nẵng đi tuyên truyền về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình và chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em

Tình trạng xâm hại tình dục chiếm tỉ lệ cao Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập thể hiện qua số lượng các vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tại hội nghị triển khai thực hiện chỉ thị số 39/CT/TU về xây dựng Thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em vừa được tổ chức, thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố cho hay, tính đến tháng 6/2020, Đà Nẵng có trên 231.600 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 20,4% dân số. Trong đó, 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 15.800 trẻ em đặc thù, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội, gia đình nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 74 vụ, gồm 129 đối tượng xâm hại trẻ em. Trong đó, các vụ việc xâm hại tình dục là cao nhất, chiếm tỷ lệ 77,3%. Thống kê từ Công an thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn đã xảy ra 22 vụ vi phạm về bạo lực gia đình, 10 vụ xâm hại trẻ em. Liên tục trong tháng 7/2020, các đối tượng đã lập các tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, khống chế các cô gái bằng những hình ảnh nhạy cảm để quan hệ tình dục.

Tuyên truyền cho học sinh khối 4, 5 Trường tiểu học Hòa Ninh (TP Đà Nẵng) về phòng chống xâm hại trẻ em

Không chỉ bạo hành phụ nữ mà trẻ em cũng là đối tượng bị xâm hại. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra ở những xã phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực đông người lao động nghèo và địa bàn vắng. Số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm, dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm này, Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an TP, chính sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, còn cam chịu, nhiều nơi còn coi vấn đề bạo lực phụ nữ là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình. Ngoài ra, các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức kỹ năng phòng tránh xâm hại, nhất là xâm hại tình dục. Theo Đại tá Trần Mưu, nguyên nhân kinh tế và các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm … đã dẫn đến việc nam giới có nguy cơ giải quyết khó khăn bằng hành vi bạo lực, mà trước hết là bạo lực với phụ nữ trong gia đình. Cùng với đó, sự phát triển trang mạng xã hội khiến một số người có biểu hiện sống “ảo”, luôn muốn hưởng thụ hơn làm việc, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo các bạn gái nhẹ dạ cả tin. “TP Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”

Công an TP Đà Nẵng trong một buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em.

Đề án “Thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2035” đã xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn 2020 – 2025 là có 80% trở lên xã, phường (hoặc cộng đồng) hoặc thôn/làng quê; trường học và cơ sở giáo dục; công sở, nhà máy, xí nghiệp, trên phương tiện giao thông công cộng có quy ước/quy chế/quy định/nội quy về an toàn, không quấy rối tình dục và bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Theo đó, 50% địa điểm công cộng đảm bảo cơ sở hạ tầng an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em. 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm thực hiện các nội dung kế hoạch hoạt động tại địa phương, đơn vị về thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Triển khai thông điệp truyền thông phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái trên hệ thống xe buýt công cộng thành phố.

Hàng năm, hạn chế tối đa, không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em; đảm bảo 100% nạn nhân bị bạo lực được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời… Ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban Dân vận Thành ủy khẳng định, việc ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU xác định “xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em” sẽ là một chuẩn mực mới cần có của thành phố “đáng sống”, khi Đà Nẵng đã và đang thực hiện mục tiêu “ thành phố 4 an”: an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Công bố đường dây nóng hỗ trợ và bảo vệ trẻ em tại TP Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, các cấp ngành thành phố cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nâng cao nhận thức, kỹ năng, có những hiểu biết cơ bản về cách phòng vệ, tránh bị xâm hại, phòng tránh bạo lực gia đình, giúp họ tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý trong cuộc sống hàng ngày; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh... Đặc biệt, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/da-nang-xay-dung-thanh-pho-an-toan-khong-bao-luc-voi-phu-nu-va-tre-em-5mf3Y05Gg.html