Đà Nẵng xây dựng không gian khởi nghiệp hấp dẫn

Bên cạnh xóa bỏ các rào cản về cơ chế, thủ tục đang 'trói buộc' quá trình khởi nghiệp sáng tạo, Đà Nẵng cũng đầu tư mạnh về hạ tầng, tạo không gian hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hướng tới là Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bên cạnh xóa bỏ các rào cản về cơ chế, thủ tục đang “trói buộc” quá trình khởi nghiệp sáng tạo, Đà Nẵng cũng đầu tư mạnh về hạ tầng, tạo không gian hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hướng tới là Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam trao bằng khen cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam trao bằng khen cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc.

Đầu tư mạnh hạ tầng

Hệ sinh thái KNĐMST của Đà Nẵng đang phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Ông Trần Văn Hoàng- Phó giám đốc Sở KH&CN cho biết, năm qua TP đã hỗ trợ hàng chục lượt doanh nghiệp KNĐMST với số tiền hơn 4 tỷ đồng, ươm tạo 26 dự án khởi nghiệp, đưa vào hoạt động khối nhà xưởng Khu Ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ cao, xây dựng Cổng thông tin KNĐMST TP Đà Nẵng ứng dụng giải pháp triển lãm thực tế ảo. Song song với đó, mạng lưới khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh kết nối, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về khởi nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động đáng kể hơn là những nỗ lực mạnh mẽ của TP trong xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ KNĐMST. Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBNDTP cho biết, hiện TP dành khu đất gần 2 ngàn m2 trên đường Trần Hưng Đạo (gần đài Danang TV) dự kiến xây khoảng 15 tầng, 20 ngàn m2 sàn để tập trung cho hoạt động khởi nghiệp. Dự án đang đẩy nhanh thủ tục để kịp khởi công trong năm nay. Không gian 20 ngàn m2 này gồm khu vườn ươm, khu phát triển sản phẩm, khu sản xuất công nghệ. Cùng với 3.000m2 khu công viên phần mềm số 2 dành cho khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, rõ ràng khi hoàn thiện các khu này sẽ có sân chơi lớn cho các DN khởi nghiệp. Ông Nam cho biết thêm: Nói gì thì nói không có cơ sở vật chất, không có hạ tầng đầu tư thì khó mà phát triển KNĐMST được. Câu chuyện đặt ra đã có cơ sở hạ tầng sẽ vận hành thế nào. Không thể bê nguyên giá thuê văn phòng cho các DN khởi nghiệp như dịch vụ thương mại. Với giá thuê 15 USD hay 12 USD/m2 là tương đối cao với DN khởi nghiệp. Do vậy, TP sẽ có chính sách phù hợp, thậm chí có những chính sách chỉ lấy đủ thu bù chi để hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp. Ông Nam khẳng định, sau khi hoàn thành hệ thống cơ sở vật chất này TP sẽ ban hành cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp KNĐMST về 2 khu vực này.

Bên cạnh cơ sở vật chất thì hoạt động KNĐMST còn gắn với nhân lực chất lượng cao, những cơ chế thúc đẩy ý tưởng KNĐMST biến thành thực tế. Ông Nam cho biết, Đà Nẵng đang đề xuất một số cơ chế thí điểm để xây dựng TP là Trung tâm KNĐMST của khu vực. “Hiện qui hoạch chung đang trên bàn Chính phủ, nếu được phê duyệt sớm thì không gian, điều kiện phát triển KNĐMST cho TP rất lớn. Chẳng hạn như với dự án làng Đại học kéo dài 25 năm, nay được khởi động triển khai với quy mô xứng tầm sẽ tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động KNĐMST”- ông Nam nói.

Xóa bỏ rào cản

Anh Lê Trí Hải, Giám đốc Cty Toàn Cầu Xanh cho biết, DN khởi nghiệp còn non trẻ, cần được TP hỗ trợ ưu đãi về chi phí thuê mặt bằng. Ngoài ra, thủ tục về ưu đãi, hỗ trợ chi phí trực tiếp cho KNĐMST hiện như một đám mây mù, không biết bắt đầu từ đâu, vì thế TP cũng cần có cổng thông tin để phổ biến chi tiết. Trong khi đó, anh Minh Đức, Giám đốc một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng chia sẻ, khi kêu gọi vốn cho dự án khởi nghiệp, các quỹ đầu tư thường nói nên chuyển Cty vào TPHCM mới rót vốn. Nhưng Đà Nẵng cũng là nơi hấp dẫn để khởi nghiệp và cần truyền thông để tạo thương hiệu đây là TP khởi nghiệp, TP của những ước mơ, như từng truyền thông Đà Nẵng là TP đáng sống. “Trong tư duy của TP hay người dân phải có văn hóa bản địa, tình yêu TP, giúp TP phát triển, và cần sử dụng các sản phẩm khởi nghiệp bản địa... thì mới tạo được các câu chuyện khởi nghiệp từ nhà đầu tư bản địa, đủ điều kiện phát triển được thành các Cty khởi nghiệp lớn” - anh Đức nói. Còn theo ông Hà Giang, Cty Hà Giang - Phước Tường, khi nghiên cứu sản phẩm khoa học để khởi nghiệp nên làm theo nhu cầu thị trường chứ không nên làm theo ý tưởng yêu thích của mình. Cần tìm các DN lớn, nắm bắt nhu cầu để đặt hàng nghiên cứu sản phẩm.

Ông Lê Quang Nam nhìn nhận, hoạt động KNĐMST còn rào cản về cơ chế, về nội lực, về sự mạnh dạn chấp nhận rủi ro... Tại sao Đà Nẵng có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải cao nhưng không đưa ra được thị trường, có phải rào cản lớn nhất là không ai biết hoặc chưa tiếp cận được sản phẩm hay không? Do vậy song song giới thiệu những chính sách hỗ trợ để DN khởi nghiệp tiếp cận thì cũng phải có cơ chế chính sách giới thiệu sản phẩm của DN khởi nghiệp. Cũng theo ông Nam, không riêng gì Đà Nẵng mà nhiều địa phương nữa cũng đang kiến nghị thay đổi cơ chế chính sách trong hỗ trợ khởi nghiệp. Chẳng hạn quy định chứng minh năng lực, kinh nghiệm trong đấu thầu dự án. DN khởi nghiệp mà đòi năng lực tài chính, kinh nghiệm thì thua ngay từ vòng gửi xe. Bây giờ Đà Nẵng có dám vượt rào hay không? Và các DN khởi nghiệp có dám đảm bảo được tham gia dự án có làm thành công hay không?. Cái đó cần phải ngồi lại, kiến nghị đưa ra cơ chế phù hợp.

Phần lớn DN ở Đà Nẵng hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ, vì thế năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ rất hạn chế. Thường các ý tưởng cải tiến, đổi mới công nghệ xuất phát từ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên ý tưởng nghiên cứu lại chênh so với thực tiễn, nhà nghiên cứu thường làm những đề tài mình thích, không xuất phát từ hơi thở cuộc sống. Cho nên rào cản lớn nhất cho hoạt động KNĐMST vẫn là liên kết 3 nhà, phải có điểm chung chứ chính sách trên trời, ý tưởng nhà nghiên cứu khoa học trên mây, nhu cầu thực tiễn ở dưới đất thì rất khó để gặp nhau.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_237258_da-nang-xay-dung-khong-gian-khoi-nghiep-hap-dan.aspx