Đà Nẵng: Xây dựng kế hoạch tài chính giai đoạn 2021 - 2025

Theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 09/12/2020 về kế hoạch tài chính 5 năm địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, Đà Nẵng sẽ thực hiện huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính ngân sách, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước; Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước, nợ chính quyền địa phương.

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ giảm chi thường xuyên cho ngân sách, tăng nguồn lực cho chi đầu tư và thực hiện chính sách an sinh xã hội, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh.

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ giảm chi thường xuyên cho ngân sách, tăng nguồn lực cho chi đầu tư và thực hiện chính sách an sinh xã hội, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh.

Mục tiêu đề ra: Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 139,8 nghìn tỷ đồng. Tăng thu nội địa bình quân khoảng 7 - 10%/năm. Tỷ trọng thu nội địa bình quân trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021 – 2025, không kể chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu, khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân trên 35% tổng chi ngân sách địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên dưới 55% tổng chi ngân sách địa phương; bố trí dự phòng ngân sách, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính ở mức thích hợp để chủ động xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh…

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 53,782 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản các dự án khoảng 53,032 nghìn tỷ đồng. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được HĐND xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm. Bảo đảm dư nợ vay chính quyền địa phương trong giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật; ưu tiên chi trả lãi, phí và nợ gốc vay chính quyền địa phương khi đến hạn.

Đối với kế hoạch vay, trả nợ 05 năm sẽ căn cứ nhu cầu huy động vốn đầu tư để chi cho các công trình trọng điểm, động lực của thành phố dự kiến mức vay bù đắp bội chi tối đa 6.981,8 tỷ đồng, bao gồm số vay lại Chính phủ vay nước ngoài để đầu tư các dự án theo các hiệp định đã ký kết trong giai đoạn trước. Dự kiến số trả nợ gốc trong kỳ là 116,11 tỷ đồng trả nợ vay lại Chính phủ vay nước ngoài để đầu tư dự án phát triển bền vững. Đến cuối năm 2025, dự kiến dư nợ vay chính quyền địa phương là 8.119,2 tỷ đồng bằng 100% hạn mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương.

Về dự báo rủi ro, sẽ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đối với rủi ro có thể xảy ra đối với an toàn nợ công của địa phương. Nhất là trong trường hợp thu ngân sách địa phương trong giai đoạn đạt thấp, không đủ nguồn để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết. Để phòng ngừa và xử lý rủi ro, hàng năm ưu tiên dành nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

Tùy theo mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ, UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố quyết định phương án cơ cấu lại nợ chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Để thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn 2021 - 2025, Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách theo quy định. Tiếp tục triển khai có hiệu quả những chủ trương, biện pháp của trung ương về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách phù hợp, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Quản lý chặt chẽ, khai thác có kế hoạch và hiệu quả, bền vững nguồn lực tài chính từ đất đai để tập trung vốn đầu tư cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao. Đẩy mạnh việc bán, cho thuê tài sản Nhà nước kể cả quyền khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và tái tạo nguồn đầu tư cho ngân sách.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương của Trung ương về cơ cấu lại đầu tư công. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công. Xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.

Nguyễn Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/da-nang-xay-dung-ke-hoach-tai-chinh-giai-doan-2021-2025-296614.html