Đà Nẵng: Từ nơi hứng chịu chất độc da cam đến vị thế chủ nhà APEC 2017

Đà Nẵng - thành phố chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đón Tổng thống Mỹ Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đến đàm phán về thương mại và an ninh.

Từ tầng thượng tòa nhà hành chính 34 tầng của Đà Nẵng, ông Nguyễn Công - một viên chức địa phương chỉ ra các địa điểm mà thực dân Pháp đã đổ bộ vào thành phố năm 1858 qua bờ sông Hàn, sau đó là cuộc đổ bộ của lính thủy đánh bộ của quận đội Mỹ tại bãi biển Xuân Thiều vào năm 1965.

Tuần này, thành phố cảng miền Trung Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho một cuộc 'đổ bộ' khác khi là nơi đăng cai cuộc họp thượng đỉnh hàng năm của APEC, gồm lãnh đạo 21 nền kinh tế từ Chilê đến Papua New Guinea.

Diễn đàn quy tụ các lãnh đạo tầm cỡ nhất trên thế giới: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng đến thảo luận về các vấn đề quan trọng nhất của thế giới hiện nay.

"Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, và cũng là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Đà Nẵng", ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết. "Đó là một cơ hội quý giá... để nâng cao hình ảnh thành phố trẻ của chúng tôi với bên ngoài".

Sau cuộc gặp APEC, ông Trump sẽ bay đến Hà Nội để có các cuộc gặp gỡ song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các quan chức chính phủ khác, trước khi tới Philippines trong lịch trình chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại APEC CEO Summit 2017

Cuộc họp sẽ là cơ hội nâng cao hình ảnh trên phạm vi toàn cầu cho cả Việt Nam, nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng gần 7% trong năm nay, và Đà Nẵng, thành phố được cho là đáng sống nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, không khí hân hoan trước cuộc họp thượng đỉnh đã sớm chuyển màu u ám khi cơn bão Damrey trong những ngày gần đây đã đổ bộ và tàn phá miền Nam và miền Trung của Việt Nam, gây ra mưa lớn và lũ lụt ở Đà Nẵng và các tỉnh thành khác trong khu vực, khiến ít nhất 27 người chết.

Bên cạnh đó, cuộc họp còn bị phủ bóng đen bởi những lo ngại về các quan điểm thương mại trái chiều và sự hoài nghi hoặc tức giận đối với sự thay đổi vai trò của Mỹ dưới chính quyền tổng thống Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại diễn đàn APEC được tổ chức tại Lima vào tháng 11/2016, chủ tịch Tập đã tuyên bố Trung Quốc sẽ bảo vệ tự do thương mại tự do vào chính thời điểm ông Trump chuẩn bị rút Mỹ khỏi Hiệp định Thương mại quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, các quan chức ở Đà Nẵng vẫn đang rất nỗ lực để tạo ra một ấn tượng tích cực. Ông Nguyễn Tiến Quang – Phó giám đốc phụ trách VCCI Đà Nẵng nhận định: "Đây là cơ hội vàng cho Đà Nẵng".

Trong công tác chuẩn bị, Đà Nẵng đã khánh thành một nhà ga sân bay quốc tế mới và đầu tư hàng triệu đô la vào các công trình đường sá và hầm nhằm giảm bớt lưu lượng cho hơn 10.000 đại biểu tham dự sự kiện.

Khoảng 400 xe limousine đen và minibuses trắng xếp dọc theo bờ sông Hàn để đưa đón các đại biểu và doanh nhân từ các tập đoàn lớn nhất như Alibaba, Pfizer, Facebook và Airbnb.

"Nếu sự kiện này thành công, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều sự kiện quốc tế khác được tổ chức ở Đà Nẵng", bà Bùi Thị Lan Phương, giám đốc kinh doanh của công ty cho thuê ô tô Avis chia sẻ.

Đối với cộng đồng quốc tế, cái tên Đà Nẵng gợi nhớ đến chương đen tối nhất của cuộc chiến tranh gây ra bởi đế quốc Mỹ ở Đông Dương, khi Mỹ sử dụng căn cứ không quân của mình để chứa chất độc màu da cam, thứ chất diệt cỏ gây ra ung thư, dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe khác cho hàng triệu thường dân Việt Nam.

Giờ đây, thành phố đang hy vọng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế hoạt động hiệu quả và quy củ trong khu vực với cơ sở hạ tầng hiện đại và đường phố sạch sẽ. Tại đây, các quan chức thành phố đang quyết liệt với khẩu hiệu "5 có - 3 không", không người ăn xin, không người vô gia cư và không người sử dụng ma túy.

Đà Nẵng đang trên đà bắt kịp với TP.HCM và Hà Nội trong việc thu hút đầu tư. Theo chi nhánh VCCI Đà Nẵng, thành phố đã thu hút được 3 tỷ USD đầu tư nước ngoài với khoảng 400 dự án cho đến nay.

Các quan chức địa phương cho biết thành phố đã đón nhận 6 triệu du khách mỗi năm, trong đó có 1,5 triệu du khách nước ngoài, với thế mạnh du lịch hướng tới kinh đô Huế và thành phố di sản Hội An.

Ông Nguyễn Minh Tú, Tổng giám đốc của một công ty bất động sản tư nhân cho biết, nếu TP.HCM là New York của Việt Nam, thì Đà Nẵng cũng giống như Boston. Ông nói: "Đó là văn hóa. Nó mang giàu tính lịch sử hơn".

Hơn nữa, ông nói,"Người dân ở đây cũng thân thiện hơn".

Linh Lan

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/da-nang-tu-noi-hung-chiu-chat-doc-da-cam-den-vi-the-chu-nha-apec-2017-20171110091422053.htm