Đà Nẵng: Trao bằng xếp hạng cấp thành phố cho Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

Sáng 23/2, UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tại phường Hòa Thọ Đông quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng - vốn có tên gọi dân gian là “Cấm” và tên xứ đất trong cúng tế là “Gò Dàng xứ”. Vào cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, thơm. Trong quá trình khai phá, người ta đã thu thập ở đây nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và sau đó chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm)”.

Vào tháng 4/2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà tại lô đất số 173 và 101 đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim (tượng thần điểu Kinnari trong thần thoại Ấn giáo) và nhiều gạch Chăm.

Phó Chủ tịch thành phố Lê Quang Nam (phải) trao bằng xếp hạng cấp thành phố cho Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Phó Chủ tịch thành phố Lê Quang Nam (phải) trao bằng xếp hạng cấp thành phố cho Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp trên diện tích 500m2 theo Quyết định số 1666/QĐ-BVHTTDL ngày 4/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua 3 đợt khai quật, đoàn khảo cổ nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ.

Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là những thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử. Những di tích, di vật tìm được đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Champa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X – thế kỷ XII.

Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số.

"Với những giá trị trên, tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27/11/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã xếp hạng Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố", Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nói.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/da-nang-trao-bang-xep-hang-cap-thanh-pho-cho-di-chi-khao-co-cham-phong-le-d149292.html