Đà Nẵng tính "chuyển nhượng" nhân tài cho tư nhân

Sử dụng nhân tài nên có hình thức chuyển nhượng cho khu vực tư nhân; việc chuyển nhượng này xem như cuộc “đấu giá”.

Lần đầu tiên vấn đề sử dụng nhân tài được ví như một cuộc "đấu giá" tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 1/10.

Ảnh minh họa

Theo đó, tính đến tháng 12/2014, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 nhân tài thuộc diện thu hút theo chủ trương của thành phố. Và tính đến tháng 9/2016, Đà Nẵng cũng đã đào tạo được 639 nhân tài theo Đề án 922 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, những bất cập trong thu hút nhân tài là nguyên nhân xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Đặc biệt tình trạng vi phạm cam kết, không chịu về nước sau khi đã hoàn thành khóa học đẩy địa phương vào cảnh lúng túng.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho rằng, không nên bắt buộc học viên sau khi đào tạo xong ở nước ngoài phải về nước làm việc ngay mà nên tạo điều kiện cho học viên có thời gian rèn luyện từ 3-5 năm.

Ông Thanh cũng cho rằng, Đà Nẵng cần nghiên cứu tới việc sau khi nhân tài học xong, nếu chưa thể bố trí công việc ngay tại các cơ quan nhà nước, nhân tài không có cơ hội để thể hiện mình thì nên tính tới việc “chuyển nhượng” cho các doanh nghiệp tư nhân. “Có thể nhân tài về thì làm hợp đồng chuyển nhượng, đấu giá nhân lực để các doanh nghiệp có thể chọn”, ông Thanh nêu ý kiến.

Liên quan đến thực trạng làm việc của nguồn nhân lực này, ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, cho rằng, nhiều nhân tài được đào tạo, tuyển dụng nhưng lại phân công công việc không phù hợp.

Trong khi đó, sự kết nối giữa các học viên với các cơ quan tuyền dụng còn lạc lõng, khó khăn. Ông Hoa ví von, nhân tài của Đà Nẵng những năm qua như những “củ khoai lang rời rạc”.

Lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, hiện trung tâm đã tiếp nhận 12 nhân tài. Có 8 người đang phải chờ biên chế trong khi đó TP chỉ duyệt có hai biên chế. Và trong thời gian qua, đã có 15 người xin đi khỏi cơ quan. Nguyên nhân cũng vì điều kiện không phù hợp, không phát huy được năng lực, vì vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng việc đào tạo nhân tài cần tính toán hài hòa cho cả phía doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng đây là đề xuất tránh lãng phí nhân tài sau khi được đào tạo về nước.

Theo bà Hạnh, việc chuyển nhượng nhân tài của thành phố đào tạo cho tư nhân cần được thực hiện dựa trên hợp đồng và sẽ trừ dần các khoản phí đào tạo vào tiền lương của họ tại doanh nghiệp.

Lý do Đà Nẵng kiện đòi tiền du học của nhân tài

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh có nhiều nhân tài tại Đà Nẵng sẵn sàng "dứt áo ra đi" vì không được vào biên chế hoặc môi trường làm việc không phù hợp.

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh ngày 7/9, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, sở vẫn còn 29 cán bộ công chức, người lao động chưa được vào biên chế.

“Hiện nay số lao động chưa vào biên chế có nhiều em là lực lượng thu hút nhân tài. Nếu theo lộ trình này có khi về hưu chưa được vào biên chế. Đề nghị lãnh đạo thành ủy, ủy ban có kiến nghị về vấn đề này”, ông Sơn nói thêm.

Trong khi đó, một vị phó giám đốc của sở thì băn khoăn trước việc nhiều cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài làm đủ 7 năm thì ra đi vì không được vào biên chế.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-nang-tinh-chuyen-nhuong-nhan-tai-cho-tu-nhan-3319937/