Đà Nẵng: Tiếp tục phát huy '5 Không', '3 Có' và '4 An'

Các chương trình '5 Không', '3 Có' và '4 An' là ba chương trình đột phá của TP. Đà Nẵng, giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội và mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Sáng 3/6, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chuyên đề về mục tiêu, định hướng chương trình Thành phố “5 Không”, “3 Có” và “4 An”.

 Cảnh sát giao thông ra quân giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: VGP/Minh Trang. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cảnh sát giao thông ra quân giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: VGP/Minh Trang. Ảnh: VGP/Minh Trang

Những chương trình đột phá

Năm 2000, TP. Đà Nẵng đã đề ra chương trình “5 không”: “Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của”. Đây là một chủ trương mang đậm tính nhân văn, đột phá, chưa có địa phương nào trong cả nước đề ra.

Kết quả 20 năm thực hiện Chương trình 5 không, về mục tiêu "không có hộ đói”, ngay sau 2 năm triển khai, Thành phố đã cơ bản không còn hộ đói, chuyển sang “không có hộ đặc biệt nghèo”. Thành phố đã chọn gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện các chính sách đặc thù riêng, tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và cộng đồng xã hội để hỗ trợ. Đến nay, cơ bản không còn những hộ nghèo đặc biệt khó khăn như tên gọi của Chương trình.

Mục tiêu “không có người mù chữ” đã chuyển sang “không có học sinh bỏ học”, tập trung phổ cập tất cả các cấp học, nhất là không để học sinh phải nghỉ học. Về mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn”, không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, các điểm nóng được xử lý triệt để. Về mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng" và "Không có giết người để cướp của”, tình trạng người nghiện được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng giết người cướp của giảm xuốngmức thấp.

Năm 2005, Thành phố tiếp tục đề ra chương trình “3 Có”: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị“. Trong 15 năm, Thành phố đã giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ, góp phần giảm tải áp lực về chỗ ở cho người dân an cư để lạc nghiệp. Hằng năm, bình quân giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động (trong đó gần 20.000 việc làm mới tạo ra); nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân và du khách có sự chuyển biến rõ rệt.

Tiếp đến năm 2016, Thành phố đề ra Chương trình “4 An”: “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. Chương trình đã đạt được kết quả nhất định ở các lĩnh vực như: Xử lý các điểm đen giao thông, nút giao thông tránh ùn tắc và tăng cường lực lượng kiểm tra xử phạt trên 200.000 trường hợp; đã thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm độc lập, lực lượng kiểm tra được tăng cường, tập trung xử lý những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm... Nhờ vậy, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thức ăn, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm...

Từ chương trình 3 Có, hằng năm Đà Nẵng bình quân giải quyết việc làm cho 30.000 lao động. Ảnh: VGP/Minh Trang

Thay đổi các tiêu chí phù hợp với tình hình mới

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, bên cạnh những kết quả đạt được Thành phố còn phải đối mặt với các vấn đề xã hội hiện nay như: Tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại; người xin ăn biến tướng, người nghiện sử dụng các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa có xu hướng gia tăng; tình trạng lạm dụng ma túy, rượu bia, bạo lực gia đình, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, cho vay mượn kiểu “tín dụng đen” dẫn đến giết người cướp của; nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở, các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân... đang là vấn đề bức xúc đặt ra trong thời gian đến.

Thời gian tới, Thành phố dự kiến điều chỉnh mục tiêu “Không có học sinh bỏ học” chuyển sang “Không có trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường” hoặc “Không xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” hoặc Chương trình "Trẻ em an toàn, không bị bạo hành và xâm hại”. Vì hiện nay tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang là vấn đề bức xúc nhất nên cần phải có chương trình để tập trung xử lý.

Các đại biểu cho rằng 4 mục tiêu của chương trình “4 An” nên được tiếp tục duy trì thời gian nữa vì phát huy hiệu quả mạnh mẽ dù mới thực hiện được 5 năm.

Các đại biểu đề xuất tích hợp các mục tiêu chưa hoàn thành của chương trình "5 không", "3 có" tiếp tục đồng hành với chương trình “4 An”. Chẳng hạn như, tích hợp các mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, “có nhà ở” và “có việc làm” vào mục tiêu “an sinh xã hội” trong chương trình thành phố "4 An", đồng thời tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu “an sinh xã hội” năm 2020. Trong đó hướng mạnh đến việc tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều để Đà Nẵng có thể yên tâm kết thúc vai trò lịch sử của mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” trong chương trình thành phố “5 không”.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/da-nang-tiep-tuc-phat-huy-5-khong-3-co-va-4-an/397240.vgp