Đà Nẵng: Thông báo nhận quà nước ngoài, tiền từ thiện, sim rác lừa được tiền tỷ

Bằng chiêu thức gọi điện thoại thông báo khách hàng có quà từ nước ngoài gửi về cần trả 'cước phí' hải quan hoặc nộp phí nhận/chuyển tiền từ thiện, nhiều người bị mất tiền tỷ vì cả tin. Ngày 17/11, Phòng Cánh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, phòng tiếp nhận rất nhiều thông tin nạn nhân bị lừa chiếm đoạt tiền.

Dùng hàng chục sim rác để lừa đảo, đối tượng Phạm Quốc Thịnh (23 tuổi, Quảng Nam) đã chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng (ảnh M.H)

Theo công an, thủ đoạn chủ yếu mà các đối tượng sử dụng là dùng sim rác điện thoại, gọi điện thông báo khách hàng chuyển tiền, cước phí hải quan để nhận tiền hoặc quà từ nước ngoài gửi về. Nhiều nạn nhân tưởng thật đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Nạn nhân P.T.K.N (Đà Nẵng) cho biết, qua mạng xã hội, chị kết bạn với 1 người nước ngoài. Sau một thời gian làm bạn qua mạng, người này hứa hẹn gửi quà tặng có trị giá lớn cho chị. Một hôm, có người gọi điện cho chị từ số điện thoại 0163.972.8134, hỏi cặn kẽ tên tuổi và thông báo có món quà lớn đang nằm ở hải quan sân bay. Người này xưng là nhân viên của một hãng vận chuyển và yêu cầu chị chuyển tiền phí vận chuyển để nhận quà. Phía người bạn nước ngoài cũng thông báo đã gửi quà về cho chị. Thấy 2 thông tin đều khớp và vì không biết thủ tục hải quan nên chị tưởng thật, vội vã chuyển tiền. Chuyển gần 1,4 tỷ đồng nhưng vẫn không thấy quà đâu, quay lại hỏi người bạn nước ngoài thì không tìm thấy nick nữa.

Một trường hợp khác cũng cay đắng khi bị lừa mất tiền tỷ để làm thủ tục nhận tiền từ thiện chuyển về Việt Nam. Nạn nhân N.C kể, người phụ nữ kết bạn với anh qua facebook cho biết đang sống ở nước ngoài, chồng bị ung thư mới mất. Chị đang có số tiền 4,7 triệu đô để làm từ thiện và đã gửi qua Indonesia được 2 triệu đô. Nay chị muốn gửi về Việt Nam 2 triệu đô để làm từ thiện và nhờ anh N.C làm trung gian nhận tiền. Anh N.C đồng ý và cung cấp thông tin, địa chỉ để nhận hàng từ thiện và tiền.

Một tuần sau, có người dùng số 0164.215.9410 gọi đến cho anh N.C, xưng là nhân viên hải quan, thông báo hàng đã về sân bay nhưng qua soi chiếu phát hiện có số tiền gửi kèm rất lớn, buộc phải giữ lại và yêu cầu anh nộp phạt mới cho thông quan. Tưởng thật, anh chuyển tiền vào tài khoản mà “nhân viên hải quan” cung cấp.

Anh N.C cho hay, sau 4 lần chuyển tiền vào tài khoản Sacombank cho đối tượng với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng, anh liên lạc với số điện thoại trên để nhận hàng. Điện thoại vẫn đổ chuông nhưng đầu dây bên kia không có ai bắt máy. Chột dạ, anh báo với cơ quan công an để ngăn chặn tiền đã gửi. Tuy nhiên, qua sao kê, toàn bộ số tiền anh N.C chuyển vào tài khoản Sacombank đã bị rút sạch tại một cây ATM ở Campuchia.

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2017 đến nay, hàng chục trường hợp bị chiếm đoạt tiền sau khi nghe điện thoại và làm theo hướng dẫn của đối tượng. Tuy nhiên, công việc xác minh và ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ quan chức năng cho hay, lần theo hàng trăm số điện thoại mà nạn nhân cung cấp, phần lớn đều là sim Viettel, Mobile không chính chủ hoặc chủ thuê bao ở tỉnh thành khác. Nhiều trường hợp, sau khi lừa được nạn nhân, các đối tượng bỏ sim điện thoại này, dùng qua sim khác… Vấn nạn sim rác vẫn đang “hoành hành” khắp nơi. Tuy nhiên công tác quản lý vẫn hết sức lỏng lẻo nên đối tượng dễ dàng mua hàng chục sim để dùng mà không cần đăng ký thông tin với nhà mạng. Mặc khác, trong quá trình điều tra xác minh, lấy lý do “bí mật cá nhân” nhà mạng không phối hợp cùng cơ quan chức năng.

Trước đó, ngày 17/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Quốc Thịnh (23 tuổi, trú tại Quảng Nam) 4 tháng để điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thịnh mua tên miền và hosting, rồi tung tin trúng thưởng để tìm “con mồi”. Khi nạn nhận “cắn câu”, Thịnh dùng hàng chục sim rác liên lạc, hướng dẫn nạn nhận chuyển vào các tài khoản ATM mà Thịnh đã chuẩn bị trước. Bằng thao tác đơn giản, Thịnh chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong 1 thời gian ngắn. Thịnh thay sim điện thoại thường xuyên để tránh sự phát hiện của công an.

Một cán bộ điều tra cho hay, theo nghị định 49, chỉ doanh nghiệp mới được đăng ký bán dịch vụ viễn thông. Nhưng hiện nay, những cửa hàng tạp hóa cũng vô tư bán sim, thẻ cào mà không bị lực lượng chuyên ngành xử lý. Việc ào ạt phát triển thuê bao, không kiểm soát đăng ký thuê bao…là lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng. Tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp, người dân cần cảnh giác để khỏi mắc lừa.

Minh Hằng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/da-nang-thong-bao-nhan-qua-nuoc-ngoai-tien-tu-thien-sim-rac-lua-duoc-tien-ty-d63203.html