Đà Nẵng: Thiếu nước sinh hoạt giữa mùa mưa do… bị nhiễm mặn

Từ khoảng 5 ngày nay, đời sống sinh hoạt của người dân thành phố Đà Nẵng bị xáo trộn do tình trạng nước sinh hoạt yếu, chảy nhỏ giọt, thậm chí có nhiều khu vực nước chỉ chảy rỉ rỉ vào đêm khuya. Mất nước sinh hoạt do nhà máy nước bị nhiễm mặn ngay giữa mùa mưa là điều chưa từng xảy ra ở Đà Nẵng.

Nước chảy nhỏ giọt nên không thể bơm lên bể trữ, nhiều gia đình phải thức đêm hứng từng giọt nước tích trữ

Môn tập thể dục xách nước lên lầu

Căn hộ của gia đình anh Lê Văn Phan (đường Trần Cao Vân) ở tầng 5. Mấy ngày nay, mối bận tâm duy nhất của vợ chồng anh Phan là canh giờ nước chảy để xách lên nhà dự trữ. “Do nước chảy rất yếu nên không thể bơm lên được đến tầng 5, vợ chồng nhà tôi cứ sau 11h đêm là thay nhau cứ một tiếng đồng hồ thì xuống bể nước dùng chung của chung cư kiểm tra xem vòi nước đã chảy chưa để còn xách nước lên dự trữ”.

Thế nhưng không phải đêm nào cũng xách đủ nước nên vợ chồng con cái phải tiết kiệm nước tối đa. Anh Phan kể đầy hài hước kinh nghiệm “quay vòng nước”: Bình nước 20lít nước được quay vòng theo kiểu nước rửa rau xong dành để xả toilet, nước rửa mặt đem ngâm xả áo quần lần một rồi vắt nước này dùng để tưới cây… Thậm chí nhà anh còn có “sáng kiến” xách nước biển về tắm (do biển động không tắm biển được) rồi chỉ dội qua nước ngọt cho… tiết kiệm.

Mất nước trên diện rộng, từ quận Liên Chiểu, quận Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn ngay giữa mùa mưa, kéo dài trong nhiều ngày là điều chưa từng xảy ra tại Đà Nẵng.

Anh Trần Trung Hưng (Tổ 3, phường Tam Thuận, Q. Thanh Khê cho biết) do không có bể dự trữ nên nhà anh phải huy động hết xô chậu để hứng nước, “nước cũng chỉ chảy nhỏ giọt vào lúc 2-3h sáng nên phải thức đêm rất mệt mỏi. Không đủ nước nên nhà tôi cũng không sử dụng máy giặt được mà phải xách nước giếng khoan của nhà hàng xóm về rồi giặt tay”.

Xóm của anh Hưng có mấy gia đình có nước giếng khoan nên cũng đỡ căng thẳng trong sinh hoạt hàng ngày, “mỗi tội ngày nào cũng phải xách xô đi xin nước” – anh Hưng cho biết.

Thùng nước, xô chậu lớn nhỏ đều được các gia đình huy động để trữ nước.

Mặc dù trường học có bể dự trữ nước, nhưng cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu) cho biết, Ban giám hiệu đã phổ biến tinh thần tiết kiệm nước đến tất cả giáo viên, cán bộ công nhân viên và cả trẻ để đề phòng trường hợp bị cắt nước kéo dài. Anh Phạm Đình Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, UBND quận cùng với vệ sinh phòng dịch đã triển khai đoàn kiểm tra đến các trường và có chỉ đạo phải ưu tiên nước cho nhà vệ sinh để đảm bảo vệ sinh trường học.

Trang Diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng trên mạng xã hội facebook cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến của người dân bức xúc trước tình trạng cắt nước kéo dài, nhưng không được đơn vị cấp nước thông báo. Rất nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng đến việc nấu nướng, giặt giũ vì nước dự trự đã dùng hết mà tình trạng cắt nước thì kéo dài.

Tìm giải pháp cấp nước an toàn

Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, từ ngày 31/10 đến ngày 7/11, độ mặn dao động từ 372mg/l đến4.374 mg/l và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018, do vậy trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ.

Trước đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Dak Mi4 và Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương về tình hình nhiễm mặn và đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn. Mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5 m cho các máy bơm hoạt động được.

Trên cơ sở đó, nhà máy thủy điện Dak Mi 4 đã xả liên tục với lưu lượng 12,6m3/s về lưu vực sông Vu Gia kể từ ngày 31/10/2018, đến nay, mực nước tại An Trạch có tăng, (dao dộng từ 1,6m đến 2,03m), nhưng tình hình nhiễm mặn vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Công ty Cổ phần Cấp nước vẫn đang vận hành trạm bơm An Trạch để cấp nước thô cho các nhà máy nước.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, trong đó yêu cầu Dawaco tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các giải pháp.

Trước mắt giải pháp đến tháng 3/2019, tập trung tiến độ thi công hoàn thành dự án Nâng cấp công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1- 60.000m3/ngày đêm) và Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000m3/ngđ). Đầu tư các tuyến cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.

Về giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020, xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp. Tiếp tục nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 2 công suất 60.000m3/ngđ; đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/da-nang-thieu-nuoc-sinh-hoat-giua-mua-mua-do-bi-nhiem-man-3962852-v.html