Đà Nẵng thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc sang Hàn, Nhật, Trung

Ngày 22/9, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 3468/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc trên địa bàn TP Đà Nẵng từ năm 2021 đến 2023.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở NN-PTNT chủ trì “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc trên địa bàn TP Đà Nẵng từ năm 2021 đến 2023” nhằm quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm, đảm bảo quy trình khép kín; tránh lãng phí nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao; tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tạo việc làm, thu nhập cho công nhân, ngư dân.

Bà con ngư dân Đà Nẵng lựa ra cá nóc lẫn vào các mẻ cá vừa khai thác. Theo nhiều ngư dân, thịt cá nóc rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng đây cũng là loài cá rất dễ gây ngộ độc.

Bà con ngư dân Đà Nẵng lựa ra cá nóc lẫn vào các mẻ cá vừa khai thác. Theo nhiều ngư dân, thịt cá nóc rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng đây cũng là loài cá rất dễ gây ngộ độc.

Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, trong quá trình đánh bắt nghề lưới kéo (kéo đơn, kéo đôi), số lượng cá nóc trong các mẻ lưới vẫn lẫn vào rất nhiều, thường chiếm khoảng 10% sản lượng nghề lưới kéo (sản lượng nghề lưới kéo đạt khoảng 20.000 tấn/năm) hoặc có ngư trường ngư dân cho biết sản lượng cá nóc chiếm 20 - 30% sản lượng nghề lưới kéo.

Qua phiếu điều tra và phỏng vấn nắm tình hình khai thác, tiêu thụ cá nóc đối với các chủ tàu cá và các hộ kinh doanh thủy sản khu vực Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang cho thấy: Vùng biển miền Trung có cá nóc quanh năm, vụ Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm) cá nóc nhiều hơn vụ Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), sản lượng cá nóc lẫn vào trong các mẻ lưới, tập trung chủ yếu ở các nghề lưới kéo, vây, mành, câu, rê 3 lớp, nhiều nhất là nghề lưới kéo; sản lượng cá nóc ước đạt 3-5 tấn/ngày.

Trên cơ sở đề xuất của Sở NN-PTNT, UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về độc tố cá nóc, giảm thiểu các trường hợp ngộ độc do độc tố cá nóc gây ra; Thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu và xử lý nước thải, phế phẩm cá nóc, đảm bảo 100% cá nóc sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu, không tiêu thụ trong thị trường nội địa

Một số người sơ chế cá nóc ngay tại bãi biển...

Đề án cũng dự kiến sản lượng thu mua, chế biến cá nóc từ 1.200 tấn - 1.500 tấn/năm; sản lượng cá nóc thành phẩm là 500 tấn/năm; xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm đến các thị trường tiêu thụ dự kiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đem lại hiệu quả kinh tế giá trị xuất khẩu cá nóc thành phẩm ước đạt từ 22 tỷ đồng - 25 tỷ đồng/năm. Qua đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho ngư dân, công nhân các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản; tăng kim ngạch xuất khẩu.

Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia Đề án tối đa là 02 doanh nghiệp. Nguyên tắc áp dụng được đề ra là doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong tất cả các khâu: khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu và xử lý nước thải, phế phẩm cá nóc.

Chủ các cơ sở khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến và xử lý nước thải, phế phẩm cá nóc đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cá nóc phải có hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc. Tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chỉ sử dụng cá nóc cho mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý.

đem về nhà ăn và đã có những trường hợp ngộ độc đáng tiếc do chế biến không đảm bảo an toàn.

Tại Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc, UBND TP Đà Nẵng cũng quy định cụ thể điều kiện hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án; hướng dẫn hồ sơ, trình tự đăng ký, chấp thuận tham gia Đề án. Đồng thời giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND TP thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai thực hiện Đề án thí điểm.

Tổ công tác liên ngành ban hành quy chế làm việc của Tổ, phân công rõ nhiệm vụ các đơn vị liên quan, thực hiện thẩm định xét duyệt hồ sơ, phương án của doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc và doanh nghiệp xử lý phế phẩm thủy sản tham gia Đề án thí điểm cá nóc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, quản lý từng khâu của Đề án, tránh tình trạng ngộ độc cá nóc xảy ra.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/da-nang-thi-diem-khai-thac-thu-mua-che-bien-va-xuat-khau-ca-noc-sang-han-nhat-trung/20200922035054920