Đà Nẵng: Thí điểm chế biến và xuất khẩu cá nóc

Sản lượng cá nóc chiếm từ 10 – 30% sản lượng khai thác của ngư dân, tuy nhiên, nguồn lợi này chưa được có doanh nghiệp thu mua, chế biến. Việc chế biến và xuất khẩu cá nóc sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lợi cá nóc, làm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng thu nhập cho ngư dân, tạo việc làm cho công nhân.

Đà Nẵng sẽ thí điểm chế biến và xuất khẩu cá nóc để tận dụng tối đa nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Đà Nẵng sẽ thí điểm chế biến và xuất khẩu cá nóc để tận dụng tối đa nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đà Nẵng, trong quá trình ngư dân đánh bắt thủy sản bằng lưới kéo thường xuyên có cá nóc lẫn trong các mẻ lưới. Số lượng cá nóc có thể chiếm từ 10 - 30% sản lượng khai thác. Vùng biển miền Trung cá nóc có quanh năm, vụ Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm), nhiều hơn vụ Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Cá nóc không phải được ngư dân có ý khai thác, mà tự lẫn vào các mẻ lưới. Sản lượng cá nóc ước đạt từ 3 – 5 tấn/ngày.

Để tránh lãng khí nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thành phố thực hiện đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc trên địa bàn thành phố trong 3 năm, từ năm 2021 – 2023. Đề án này nhằm quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu 100% các nóc thành phẩm, đảm quy trình khép kín.

Trong đề án, TP. Đà Nẵng sẽ tập huấn, hướng dẫn, thông tin cho người dân, đặc biệt là ngư dân về độc tố Tetrodotoxin có trong cá nóc để người dân không sử dụng loại cá này làm thực phẩm. Việc khai thác, thu mua, chế biến cá nóc và xử lý nước thải, phế phẩm cá sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, cá nóc sau khi được chế biến thành phẩm phải xuất khẩu 100%, không tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Theo đề án, sẽ có tối đa 2 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia đề án, thu mua, chế biến từ 1.200 – 1.500 tấn cá/năm, sản lượng cá nóc thành phẩm vào khoảng 500 tấn/năm. Thị trường tiềm năng xuất khẩu hướng đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; giá trị xuất khẩu ước đạt 22 – 25 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp được lựa chọn tham gia đề án sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong tất cả các khâu từ khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, xử lý nước thải, phế phẩm sau khi chế biến. Doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc sẽ quyết định và có hợp đồng với các đơn vị khai thác, thu mua, sơ chế… , và có cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý.

Việc thí điểm chế biến và xuất khẩu cá nóc sẽ giúp ngư dân có thêm thu nhập, tạo thêm việc làm cho công nhân, tăng kim ngạch xuất khẩu cho TP. Đà Nẵng.

Trước TP. Đà Nẵng, hồi đầu năm 2019, tỉnh Khánh Hòa cũng đã cấp phép cho một doanh nghiệp thực hiện đề án khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp này sau khi chế biến sẽ phải thực hiện xuất khẩu 100%, không được đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường nội địa. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các tàu cá tại Khánh Hòa sẽ được cấp mã số tham gia chuỗi cá nóc xuất khẩu. Chủ tàu và người lao động phải có chứng chỉ đạo tạo kỹ thuật về nhận biết, phân loại, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu. Khánh Hòa cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cá nóc sẽ thu mua như kích cỡ, màu sắc, loài…. Cá nóc sau khi được đánh bắt sẽ được cơ sở thu mua được chọn thuộc đề án thu mua. Tuyệt đối không được sử dụng cá nóc đánh bắt được để làm thực phẩm cho thuyền viên đi tàu. Cá nóc sau khi được chế biến sẽ được kiểm tra chứng nhận theo đúng quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là sẽ xét nghiệm tỷ lệ Tetrodotoxin trong tất cả các lô hàng cá nóc xuất khẩu.

Cá nóc là một loại cá cực kỳ nguy hiểm. Trong cá nóc chứa hoạt chất Tetrodotoxin – chất độc được đánh giá còn mạnh hơn cả Xyanua. Theo các chuyên gia, độc tố của loại cá này sẽ nằm ở một số bộ phận nhất định như mang, tim, túi mật, thận, gan, buồng trứng, mắt. Độ mạnh của độc tố tùy theo loại cá nóc. Cá nóc cái có độc tố mạnh hơn nhiều so với cá nóc đực. Dù mang trong mình hoạt chất cực độc nhưng cá nóc lại là thực phẩm rất được ưa chuộng ở một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là tại Nhật Bản. Sau khi loại bỏ được độc tố, thịt cá nóc rất dai, thơm ngon, vì vậy, loại cá này luôn nằm trong danh sách các món ăn thuộc hàng đắt đỏ của Nhật Bản, nhất là sashimi cá nóc.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-thi-diem-che-bien-va-xuat-khau-ca-noc-144219.html