Đà Nẵng thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại

Các hòa giải viên, đối thoại viên được Tòa án lựa chọn đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, uy tín và có hiểu biết về pháp luật.

Ngày 9-11, tại TAND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng, đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và Tổ giúp việc thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân.

Theo đó, BCĐ gồm 10 người, do ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng BCĐ Cải cách Tư pháp, làm trưởng ban. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng, làm phó trưởng ban.

Tổ giúp việc cho BCĐ gồm 12 người do ông Trần Đình Quảng, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng làm tổ trưởng.

Lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng trao quyết định thành lập cho sáu trung tâm hòa giải, đối thoại.

Lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng trao quyết định thành lập cho sáu trung tâm hòa giải, đối thoại.

Cũng trong sáng nay, TAND TP Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân thành phố và năm tòa án nhân dân cấp quận là Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ.

Trong đó, Trung tâm tại tòa án nhân dân thành phố có bảy hòa giải viên, đối thoại viên, do Phó Chánh án Trần Đình Quảng làm giám đốc, Chánh Văn phòng Đặng Văn Mạnh làm phó giám đốc.

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy, cho rằng việc TP Đà Nẵng được chọn là địa phương triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.

"Nếu làm tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giảm tải cho ngành tòa án trong giải quyết tranh chấp. Đây cũng là bước đột phá nhân văn trong tiến trình cải cách tư pháp, là cơ sở để ngành tòa án đề xuất các giải pháp trong công tác lập pháp. Ngược lại sẽ gây tốn kém, hậu quả xử lý cũng khó lường" - ông Trí nói.

Phó Bí thư đề nghị BCĐ tới đây cần tập trung chỉ đạo với phương châm thận trọng, chặt chẽ, thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm.

Đối với các hòa giải viên, đối thoại viên, ông Trí cũng lưu ý phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nắm tình hình thực tế để "nói sao cho đương sự nghe, đương sự hiểu". Qua đó, các bên thấy được đúng-sai và có sự điều chỉnh phù hợp, vượt qua tranh chấp, khác biệt để chung sống hòa thuận, các bên từ chỗ tranh chấp trở thành đối tác, hợp tác với nhau.

T.AN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/da-nang-thanh-lap-6-trung-tam-hoa-giai-doi-thoai-802016.html