Đà Nẵng 'sửa sai' chuyện người tài: Nhiều chuyện đau đầu?

Mở cửa cho 'nhân tài' ra ngoài có thể sẽ đẩy Đà Nẵng rơi vào 'cuộc chinn nhân tài'.

4 vấn đề

Báo cáo của Đà Nẵng cho biết, sau 14 năm triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922), thành phố đã chi kinh phí hơn 680 tỉ đồng đào tạo 616 học viên. Trong số đó, có tới 93 "nhân tài" rút khỏi đề án, thành phố đã khởi kiện 32 học viên ra tòa yêu cầu phải bồi hoàn kinh phí đào tạo. Đó là chưa kể đến những trường hợp bị phanh phui là không thuộc diện nhân tài nhưng vẫn đi học bằng kinh phí đào tạo. Nhìn vào thực trạng trên, PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đặt ra bốn vấn đề:

Đà Nẵng chi gần 700 tỷ đào tạo nhân tài nhưng vẫn khó giữ.

Thứ nhất, những con người Đà Nẵng lựa chọn, tổ chức đưa đi đào tạo bằng nguồn ngân sách của tỉnh có thật sự đều là những "nhân tài" hay không?

Thứ hai, khi đưa "nhân tài" đi học, Đà Nẵng có tính toán như thế nào? Vì sao cho họ đi học và cho họ học cái gì?

Thứ ba, khi "nhân tài" trở về, Đà Nẵng đã bố trị công việc cho họ thế nào? Họ làm việc gì, làm ở đâu? Vị trí việc làm được sắp xếp có phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề "nhân tài" đã được đào tạo không? "Nhân tài" có được làm đúng việc mình thích, mình học hay không?

Thứ tư, lương, thưởng, đãi ngộ dành cho "nhân tài" có khác với người bình thường? Có đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân "nhân tài" không?

"Vấn đề của Đà Nẵng nằm ở việc tháo giải 4 gút mắc trên, nếu chưa trả lời được rõ ràng thì không nên kỳ vọng về hiệu quả", PGS Võ Kim Sơn cho biết.

Lo ngại "cuộc chiến nhân tài"

Về đề xuất thêm chính sách “mở cửa” cho học viên từ khu vực công ra khu vực tư, PGS Võ Kim Sơn nói ngay, đây chỉ giống một hình thức sửa sai và có thể khiến Đà Nẵng lâm cảnh "trắng tay", nhiều khả năng "cuộc chiến nhân tài" sẽ xảy ra giữa Đà Nẵng và khu vực tư nhân.

"Khu vực tư nhân muốn tuyển chọn chắc chắn phải là người tài thật sự, những người phải làm được việc. Với khả năng này, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ mất hàng trăm tỉ đào tạo nhưng cuối cùng những người Đà Nẵng cần có thể sẽ muốn ra đi, còn những người không cần lại đòi ở lại.

Nếu như vậy, chủ trương đào tạo, phát triển nhân tài của Đà Nẵng là hoàn toàn thất bại, mất công, mất tiền, mất luôn cả người.

Ở khả năng thứ hai, Đà Nẵng muốn đẩy những người không làm được việc ra khu vực tư nhân, khả năng này không khả thi.

Vấn đề của các doanh nghiệp khu vực tư nhân là họ cần người làm được việc, không phải là cái mác được đào tạo từ nước ngoài. Vì thế, Đà Nẵng không cần "mở cửa", họ vẫn hút được "nhân tài". Nhưng nếu "nhân tài" được đào tạo nhưng không phải là "nhân tài", người được đào tạo không phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề của họ... thì dù có "mở", chưa chắc khu vực tư nhân đã cần.

Lúc đó, "cuộc chiến nhân tài" thực sự sẽ xảy ra, Đà Nẵng sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với khu vực tư nhân để giữ được người tài. Ngoài việc phải thay đổi cơ chế, môi trường làm việc cho hấp dẫn hơn khu vực tư nhân, Đà Nẵng có thể phải trả mức lương cao gấp 10, 20 lần mức lương hiện tại, thậm chí phải cao hơn cả khu vực tư nhân mới giữ được người tài. Đây sẽ là vấn đề khiến Đà Nẵng phải đau đầu", PGS Võ Kim Sơn phân tích.

Nhân tài Đà Nẵng bỏ việc: Nhìn thẳng tham vọng nhân tài

Tuyển thẳng

Nói thêm về cơ chế bồi hoàn học phí nếu khu vực tư nhân muốn hút người của khu vực công, PGS Võ Kim Sơn cho rằng, xử lý rất đơn giản.

Theo ông, đối với những học viên được Đà Nẵng bỏ kinh phí đào tạo phải có những hợp đồng giàng buộc trách nhiệm, quy định thời gian phục vụ đối với từng học viên rất cụ thể, rõ ràng. Khi hết thời gian cam kết, học viên có quyền được ra ngoài. Nếu Đà Nẵng muốn tiếp tục giữ người phải trả tiền sử dụng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.

Đối với trường hợp "nhân tài" tự phá vỡ hợp đồng, bỏ ra ngoài trước thời hạn cam kết cũng phải được xem xét cho thấu đáo. Những trường hợp phá hợp đồng, không thực hiện theo cám kết sẽ phải có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền học phí Đà Nẵng đã bỏ ra.

Tuy nhiên, nếu trường hợp, do không được bố trí công việc phù hợp, không được sử dụng mà học viên bỏ ra ngoài, Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm, không thể yêu cầu học viên bồi thường được.

"Là do Đà Nẵng sai thì phải tự chịu, không thể bắt đền học viên được", ông Sơn nói.

Từ những phân tích trên, PGS.TS Võ Kim Sơn cho rằng Đà Nẵng cần có đánh giá lại tính hiệu quả của đề án, trên cơ sở đó đưa ra những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Đà Nẵng muốn có được nhân tài thực sự thì cần phải thay đổi cách làm, cụ thể là xóa bỏ cơ chế cử người đi học mà thay vào đó là chọn thẳng những "nhân tài" đã được đào tạo và đang có mặt, làm việc trên khắp đất nước Việt Nam mình.

Tức là thay vì Đà Nẵng phải bỏ tiền ngân sách ra đào tạo "nhân tài" thì Đà Nẵng sẽ để thị trường, doanh nghiệp họ đào tạo, sau đó chỉ cần có cơ chế, có chính sách để thu hút họ về.

"Mỗi năm thống kê có hàng nghìn cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ trên cả nước bị thất nghiệp, rất nhiều người trong số đó đã phải bỏ tiền túi tự đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài vẫn không xin được việc làm. Đà Nẵng chỉ cần tận dụng nguồn lực này, lựa chọn cho đúng, cho tốt, cho phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề mình cần, không nhất thiết phải bỏ tiền ngân sách đào tạo thêm một đội ngũ cán bộ mới mà vẫn không làm được việc, vẫn phải bỏ ra đi", ông Sơn nêu quan điểm.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-nang-sua-sai-chuyen-nguoi-tai-nhieu-chuyen-dau-dau-3362570/