Đà Nẵng sẽ xây dựng các khu đô thị tái định cư

Thay vì mỗi dự án một khu tái định cư (TĐC) rất manh mún, thiếu khớp nối hạ tầng, xé nát quy hoạch như bấy lâu nay, Đà Nẵng sẽ xây dựng các khu đô thị TĐC phục vụ nhiều dự án.

Thay vì mỗi dự án một khu tái định cư (TĐC) rất manh mún, thiếu khớp nối hạ tầng, xé nát quy hoạch như bấy lâu nay, Đà Nẵng sẽ xây dựng các khu đô thị TĐC phục vụ nhiều dự án.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ngày 29-7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng, trong một thời kỳ Đà Nẵng thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng dựa vào khai thác nguồn lực đất đai, lấy đất nuôi đất. Tức là phát triển hoàn toàn dựa vào đất. Tuy nhiên, bây giờ phải xem xét lại, phương thức phát triển đó đã để lại nhiều hệ lụy.

Theo KTS Bùi Huy Trí , Sở Xây dựng Đà Nẵng, trước đây các khu TĐC được thực hiện giải tỏa khi mới phê duyệt mặt bằng, nhiều trường hợp chưa có dự án vẫn tiến hành giải tỏa, bố trí và nhận đất trên sơ đồ, áp dụng các hình thức nhà tạm, chung cư thu nhập thấp, hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời bố trí TĐC nhưng cho nợ tiền đất, giảm tiền đất. Với cách làm đó, tiến độ giải tỏa, TĐC rất nhanh chóng, được đại bộ phận người dân đồng thuận, được các địa phương khác tới học tập. Tuy nhiên, cách làm đó để lại nhiều hậu quả. Cụ thể là quy trình thủ tục không đảm bảo, sử dụng nhiều quỹ đất cho chức năng ở và tạo ra một hình ảnh đô thị TĐC thay vì mô hình đô thị tiên tiến cấu trúc hài hòa. Các khu TĐC này cũng thiếu hụt khá nhiều chỉ tiêu đô thị, đặc biệt là cây xanh, công trình công cộng, phúc lợi, đất dự trữ. Ngoài ra các hạ tầng thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, thiết chế văn hóa thường được đầu tư không đồng bộ với việc bố trí dân vào ở.

Nhiều ý kiến cho rằng trước đây việc GPMB thuận lợi, các dự án triển khai rất nhanh nhưng hiện nay rất khó khăn. Ông Trí cho rằng, trước đây nhanh vì các đồ án được nghiên cứu rất nhanh, có thể chưa đầy 10 ngày, thậm chí có đồ án chỉ trong 3 ngày đã trình phê duyệt. Hiện nay thì không thể làm thế được do quy định yêu cầu chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, khó khăn rất lớn trong công tác GPMB là giá đất tăng đột biến. Đơn cử ở Sơn Trà, đất vườn giờ đền theo giá đất nông nghiệp, trong khi đây đã là vùng lõi đô thị, đền bù như vậy chắc chắn dân không chịu. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư của BQL các dự án thiếu đồng bộ, khởi công dự án mà không có khu TĐC, vậy dân ở đâu? Đây là quy trình rất ngược, do đó rất khó để GPMB. Trước thực trạng đó, ông Dũng cho rằng, ngay từ bước chủ trương đầu tư phải tiến hành song song với công tác GPMB, như vậy khi triển khai dự án mới có đất TĐC cho dân. Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng cần có sự thống nhất giữa BQL làm dự án với đơn vị làm TĐC, đơn vị giải tỏa, thay vì phân tán như hiện nay. Điều này dẫn tới chuyện phương án TĐC không phù hợp với phương án quy hoạch. Đơn vị quy hoạch thì cứ vẽ quy hoạch theo phương án nhưng lại không căn cứ vào nhu cầu TĐC, dẫn tới việc đất TĐC đường 5,5m thì thiếu mà đường 7,5m thì dư.

Hiện Đà Nẵng còn dư khoảng 15 ngàn lô đất TĐC.

Theo ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc BQL các dự án hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, công tác GPMB hiện nay tốn nhiều thời gian chủ yếu do giá đền bù chưa phù hợp, thiếu đất TĐC cho người dân. Do đó, TP cần chủ động quỹ đất TĐC. Ông Vỹ nói, các khu TĐC hiện nay rất manh mún theo kiểu xôi đỗ, cứ có dự án lại cắt một khoanh đất làm TĐC, dẫn tới việc khớp nối hạ tầng từ đường sá, thoát nước thải, cấp nước... rất khó khăn. Chưa kể, nhiều gia đình được cấp 5 lô đất trong khi họ chỉ có nhu cầu ở 1 lô, các lô còn lại họ nhận để bù chênh lệch giá trị đền bù. Vì lý do này, tại nhiều khu TĐC tỷ lệ xây nhà ít, các lô đất trống đã có chủ để hoang, hạ tầng xuống cấp, vừa lãng phí quỹ đất, vừa lãng phí hạ tầng. Từ thực tế này, ông Vỹ đề xuất, TP nên quy hoạch các khu đô thị TĐC rất lớn, đồng bộ, đảm bảo các tiêu chí cây xanh, đất dự phòng... và bố trí TĐC cho nhiều dự án. Có thể lập hẳn một phường mới. Với cách làm này, dân cư sẽ tập trung đông, giá trị đất tại khu đô thị này sẽ tăng lên, việc vận động người dân giao mặt bằng tới đây sinh sống sẽ dễ dàng hơn. Còn về phương án đền bù, theo ông Vỹ không nhất thiết đền bù hết bằng đất TĐC, chỉ cần 1 lô đáp ứng nhu cầu ở, còn lại quy hết ra giá trị tiền để đền bù cho dân. Và cuối cùng, vấn đề việc làm cho người dân sau giải tỏa cần phải có phương án chi tiết với từng dự án.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đồng ý với quan điểm không nhất thiết bồi thường GPMB bằng đất TĐC mà nghiên cứu đền bù bằng tiền để người dân lựa chọn. Việc GPMB đã phân cấp, phân quyền cho các quận huyện vì thế Hội đồng GPMB sẽ toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tiến độ GPMB, đền bù, bố trí TĐC cho người dân. Do vậy phải tiếp dân, lắng nghe ý kiến từ người dân và cộng đồng, tổ chức. UBND TP cần công khai minh bạch tất cả các lô đất TĐC, cả các lô đất thương mại. Hiện TP còn khoảng 15 ngàn lô đất TĐC còn dư, cần nghiên cứu ghép lô để thành các lô đất lớn phục vụ mục đích cộng đồng. Trước đây lúc đầu quy hoạch bao giờ cũng có sân bóng, nhưng sau một hồi trước áp lực TĐC tại chỗ lại cắt xẻ ra. Bây giờ quỹ đất TĐC còn dư coi như của để dành, phải sử dụng hiệu quả phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_210125_da-nang-se-xay-dung-cac-khu-do-thi-tai-dinh-cu.aspx