Đà Nẵng sau Nghị quyết 43 (Bài 1: Tận dụng xung lực mới)

Nghị quyết (NQ) 43 của Bộ Chính trị với một số cơ chế đặc thù đã mở ra cho Đà Nẵng cơ hội phát triển rất lớn trong bối cảnh hiện nay. TP sẽ làm gì để biến cơ hội đó thành động lực phát triển, sớm trở thành đô thị hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

Nghị quyết (NQ) 43 của Bộ Chính trị với một số cơ chế đặc thù đã mở ra cho Đà Nẵng cơ hội phát triển rất lớn trong bối cảnh hiện nay. TP sẽ làm gì để biến cơ hội đó thành động lực phát triển, sớm trở thành đô thị hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

Đà Nẵng được định hình là trung tâm du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. (Ảnh: Một góc khu nghỉ dưỡng bên biển Đà Nẵng).

Đà Nẵng được định hình là trung tâm du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. (Ảnh: Một góc khu nghỉ dưỡng bên biển Đà Nẵng).

3 trụ cột phát triển

Theo NQ 43, định hướng phát triển Đà Nẵng tập trung vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển. Trong 3 trụ cột đó sẽ trú trọng vào 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đan xen, gắn kết, trở thành “dòng chảy” chủ đạo trong các quyết sách của TP. Đây cũng là lý do quan trọng mà Thành ủy Đà Nẵng quyết định chọn năm 2019 là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Để cụ thể hóa NQ43 ngay trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh qui hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH. Ông Thơ nói, với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng phát triển KT-XH bền vững, Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thương mại, du lịch. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư của TP sẽ chú trọng trách nhiệm đối với cộng đồng, lựa chọn những dự án đầu tư hiệu quả.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, TS Trần Du Lịch - Tổ trưởng Tổ tư vấn phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói, có 3 vấn đề mấu chốt trong NQ43 rất quan trọng với Đà Nẵng. Thứ nhất là quan điểm Trung ương nhìn nhận Đà Nẵng là một vùng đô thị (như vùng đô thị Hà Nội, TP HCM) bao gồm chuỗi đô thị từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An mà hạt nhân lan tỏa là đô thị Đà Nẵng. Với quan điểm này, Đà Nẵng không bị bó hẹp trong dải đất hẹp, mà được nhìn nhận như vùng đô thị rộng lớn, tiềm năng. Các nhà đầu tư không chỉ nhìn thấy cơ hội từ mỗi TP Đà Nẵng mà cả vùng đô thị Đà Nẵng. Cơ chế phát triển cho cả vùng đô thị này cũng sẽ tương đồng. Ông Lịch nói thêm, với định hướng như vậy, Đà Nẵng có nhiều dư địa phát triển trên 5 lĩnh vực then chốt như đã nêu. 5 lĩnh vực đó nếu một mình Đà Nẵng thì hạn chế nhưng gắn được với cả vùng thì rất triển vọng. Hai vấn đề mấu chốt còn lại theo ông Lịch đó là mô hình chính quyền đô thị và cơ quan quản lý cảng thống nhất. Gộp chung 3 mấu chốt đó, ông Lịch khẳng định nó chính là cơ chế đặc thù mà Bộ Chính trị mở ra cho Đà Nẵng phát triển. Và với cơ chế đặc thù ấy sẽ bổ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, đồng thời tin tưởng rằng sẽ có nhiều con “sếu đầu đàn” đến với Đà Nẵng, biến nơi này thành trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam.

Bản quy hoạch mới phải đủ tầm

Giải pháp đầu tiên để biến cơ hội thành động lực sẽ là việc điều chỉnh qui hoạch chung để khắc phục hạn chế, đưa ra chiến lược, tầm nhìn dài hơi làm cơ sở cho việc phát triển TP. Nếu bản qui hoạch mới không đủ tầm, Đà Nẵng khó thoát khỏi những điểm nghẽn phát triển như đã nêu trong tổng kết NQ 33. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP, đồng ý lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện qui hoạch chung. Nhiệm vụ của Đà Nẵng là tổ chức triển khai xây dựng để có được bản quy hoạch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong tình hình mới. Ông Hà lưu ý, trong bản qui hoạch mới cần phải cụ thể hóa được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP theo tinh thần NQ43. Ngoài ra, cần phải tiếp cận và sử dụng phương pháp qui hoạch đô thị tổng hợp, tạo lập được không gian phát triển tổng thể, bố trí các khu chức năng đô thị đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, bản qui hoạch mới phải thể hiện được bản sắc của TP gắn với giải quyết các vấn đề đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị nén. Nếu làm tốt được các vấn đề này, bản qui hoạch mới Đà Nẵng sẽ là cơ sở qui hoạch cho nhiều đô thị trong cả nước.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, bản qui hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh mới, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Ngoài ra, quy hoạch mới phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định và bền vững của Đà Nẵng.

Ông Philip Tan - Giám đốc điều hành, Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong cho biết, Đà Nẵng là đầu mối giao thông lý tưởng, trung tâm du lịch lớn, nhưng những tiêu chí này chưa đủ để biến Đà Nẵng là TP toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Theo ông Tan, Đà Nẵng cần thu hút dân cư, nhân tài, muốn vậy cần nhà ở, cơ hội việc làm. Chính nguồn lực dân cư tăng sẽ tạo nhu cầu về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đô thị hóa. Vấn đề còn lại là phải có qui hoạch và kiểm soát qui hoạch tốt. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo TP phát triển bền vững. Ông Tan nói: Để phù hợp với tầm nhìn của Đà Nẵng từ năm 2030-2045, Surbana Jurong xác định ưu tiên số 1 là phát triển quy hoạch tổng thể TP nhằm tạo ra các vùng đô thị thông minh, bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng. Chúng tôi sẽ tập trung vào 3 thành tố quan trọng: đổi mới sáng tạo, công nghệ và tính bền vững. Ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng nói, bản qui hoạch mới sẽ đặt ra các vấn đề chi tiết về giao thông như sân bay Đà Nẵng quá tải so với dự báo, cảng Tiên Sa và áp lực xe container trên tuyến Ngô Quyền, đường sắt đi xuyên tâm đô thị, phương tiện giao thông cá nhân tăng cao... Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề bức xúc khác đang đặt ra với đô thị Đà Nẵng như ngập úng, sụt lún đô thị, thoát nước đô thị, lộ trình tách nước thải và nước mưa... Đặc biệt, bản qui hoạch mới cũng đặt ra các định hướng cải thiện hạn chế về hạ tầng xã hội, liên kết chuỗi đô thị Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An để tạo động lực phát triển...

(còn nữa)

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_203152_da-nang-sau-nghi-quyet-43-bai-1-tan-dung-xung-luc-moi-.aspx