Đà Nẵng: Phổ biến các quy định mới của pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Ngày 27/4, Sở Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Hội Xây dựng tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoảng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý và sử dụng nhà và công sở.

Hội nghị với sự tham gia của 500 cán bộ, kỹ sư làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Mục đích của Hội nghị là nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm rõ quy định pháp luật cũng như chế tài xử phạt khi tham gia hoạt động xây dựng.

Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế thấp nhất việc sai phạm dẫn đến xử phạt hành chính gây ảnh hưởng đến uy tín, tài chính doanh nghiệp cũng như trật tự kỷ cương trong xây dựng.

Hội nghị với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tại địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng về tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố của Thành ủy Đà Nẵng.

Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến các quy định mới của pháp luật, qua đó nâng cao năng lực quản lý, xử lý vi phạm trật tự trên địa bàn thành phố và tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm rõ quy định pháp luật cũng như chế tài xử phạt khi tham gia hoạt động trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Xây dựng.

Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế thấp nhất việc sai phạm dẫn đến xử phạt hành chính gây ảnh hưởng đến uy tín, tài chính doanh nghiệp cũng như trật tự kỷ cương trong xây dựng. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, giảm thiểu các sai phạm và rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Sau hơn 3 tháng triển khai áp dụng Nghị định mới tại TP Đà Nẵng, bên cạnh những nội dung đổi mới mang tính thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, cũng đã có không ít những vướng mắc, tồn tại trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương.

Qua theo dõi, hiện nay các cơ quan có liên quan như Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện cũng như nhiều tổ chức, cá nhân còn đang lúng túng với những nội dung đổi mới trong Nghị định nêu trên.

Ông Lê Văn Tuấn - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: Trong thời gian qua tại Đà Nẵng, công trình xây dựng phát triển một cách nhanh chóng kể cả về số lượng lẫn chất lượng xây dựng.

Các công trình nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, văn phòng làm việc… được đầu tư xây dựng với quy mô lớn về diện tích lẫn số tầng cao, tập trung đặc biệt ở khu vực các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… đã góp phần mang lại sự khang trang, hiện đại cho đô thị Đà Nẵng.

Tuy nhiên việc phát triển nhanh chóng đó cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định trong quá trình triển khai xây dựng cũng như sau khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng kinh doanh. Một số công trình xây dựng sai phép, không phép, sai công năng sử dụng.

Mặc dù các lực lượng chức năng tại địa phương cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định trong quá trình xử lý, đặc biệt là vướng mắc trong quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Công trình sai phạm về xây dựng tại Đà Nẵng.

Chính vì thế với Hội nghị tập huấn này nhằm nâng cao năng lực quản lý, xử lý vi phạm trật tự trên địa bàn thành phố và tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm rõ quy định pháp luật cũng như chế tài xử phạt khi tham gia hoạt động trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Xây dựng.

Qua đó sẽ giúp cho UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành, các cán bộ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và các tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động xây dựng tại TP Đà Nẵng nắm bắt rõ hơn các quy định về xây dựng.

Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, thay thế các Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 và 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ. Các Nghị định cũ với những quy định không còn phù hợp với thực tiễn cũng như sự phát triển của kinh tế xã hội.

Ông Dương Thành Phố - nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng phổ biến những điểm mới, quan trọng của Nghị định.

Ông Dương Thành Phố - nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng chia sẻ: Trong thời gian qua các công trình xây dựng trong cả nước phát triển như kiểu trăm hoa đua nở. Trong một đô thị, kiến trúc công trình xây dựng theo kiểu Đông – Tây – Kim -Cổ cái gì cũng có, thích gì làm nấy. Nếu như để phát triển theo kiểu tự phát mà không có sự quản lý, kiểm soát, sau khi có vấn đề thì mới xử lý thì sẽ gây ra sự lãng phí cho xã hội, sự tốn kém cho Nhà nước.

Một số mức xử phạt chính liên quan đến những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với các vi phạm về kinh doanh bất động sản. Không đảm bảo đủ số vốn pháp định theo quy định; không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định; không lập hợp đồng hoặc lập hợp đồng kinh doanh bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định; không công chứng hoặc chứng thực hợp đồng theo quy định; không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng vi phạm về ký kết hợp đồng mua bán hoặc thuê mua nhà, công trình xây dựng mà không gắn quyền sử dụng đất với nhà, công trình xây dựng đó; không thông báo cho bên mua các hạn chế về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng (nếu có).

Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với các vi phạm về kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định.

Triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bán hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai mà chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Không làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua hoặc không cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua nhà ở theo quy định.

-Phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản vi phạm trong chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng thủ tục quy định; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định.

Trường hợp chuyển nhượng khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc bị kê biên để đảm bảo thi hành án; bên nhận chuyển nhượng không phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc không đủ năng lực tài chính theo quy định thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Buộc hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc buộc cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua.

Buộc công khai đầy đủ, chính xác nội dung thông tin về bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo đúng quy định

Buộc lập hợp đồng theo đúng quy định hoặc buộc phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đối với hành vi vi phạm.

Buộc thông báo cho các bên về các hạn chế và bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành vi vi phạm.

Buộc hoàn trả lại phần chênh lệch và bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1.000.000.000 đồng. Trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt chính đó là cảnh cáo; phạt tiền.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng.

Hải Nam

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/da-nang-pho-bien-cac-quy-dinh-moi-cua-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-trat-tu-xay-dung.html