Đà Nẵng: Phải lựa chọn kỹ công nghệ cho nhà máy điện rác Khánh Sơn!

Đó là yêu cầu mà bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đưa ra tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, khai mạc sáng 9/7 trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của cử tri TP gửi đến kỳ họp!

Đặc biệt chú ý tình trạng ô nhiễm, chất độc hại từ khói đốt rác...

Như tin đã đưa, sáng 9/7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 11 – kỳ họp giữa năm 2019. Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Đà Nẵng đã đặt vấn đề bãi rác Khánh Sơn lên hàng đầu trong các kiến nghị của cử tri TP gửi đến HĐND TP mà Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tập hợp được.

Bà Đặng Thị Kim Liên phát biểu...

Bà Đặng Thị Kim Liên phát biểu...

Theo bà Đặng Thị Kim Liên, nhiều năm qua, bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng ô nhiễm môi trường nhưng chỉ được giải quyết bằng các giải pháp tình thế nên đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vì lẽ đó, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng thống nhất với chủ trương triển khai nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lý chất thải hiện đại và khôi phục môi trường sạch tại khu vực.

“Việc này là rất cấp thiết để đảm bảo xử lý chất thải rắn của TP đến năm 2030 và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác Khánh Sơn. Đề nghị chính quyền TP khẩn trương triển khai dự án mang tính cấp thiết này!” – Bà Đặng Thị Kim Liên nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng hết sức nhấn mạnh yêu cầu: “Cần có sự chọn lựa kỹ về công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn, đặc biệt chú ý đến khả năng ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro sau khi đốt”.

Bà Kim Liên cũng lưu ý việc chuyển đổi nghề, đảm bảo cơ bản cuộc sống, thu nhập cho hơn 300 lao động đang nhặt rác tại Khánh Sơn và di dời các hộ dân trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành; trồng cây xanh cách ly khu liên hợp và khu dân cư...

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, sáng 6/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở TN-MT Tô Văn Hùng cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan đã đối thoại với các hộ dân sinh sống tại khu vực bãi rác Khánh Sơn về việc cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty EverBright International (Trung Quốc) xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác này với vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày và có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại có 28 ý kiến của các hộ dân sinh sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn, đa số không đồng tình với chủ trương nêu trên mà yêu cầu TP di dời khu xử lý rác thải đi nơi khác; triển khai phân loại rác thải ngay tại mỗi gia đình, khu vực... Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát về mức độ ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí) ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Một số hộ gia đình tại đây cho biết, việc sức khỏe giảm sút, bệnh tật... đã dẫn đến đời sống kinh tế khó khăn, vất vả.

Không những vậy, từ chiều 6/7 đến sáng 8/7, nhiều người dân sống chung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn đã có hành vi cản trở, ngăn chặn trái phép, không cho các phương tiện vận chuyển rác vào bãi rác này, làm phát sinh lượng rác tồn lưu lên hơn 1.700 tấn tại các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân TP, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn và khả năng làm phát sinh các loại dịch bệnh trên diện rộng trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay.

Phải đến khi lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự cơ động… được huy động can thiệp, hỗ trợ thông đường thì đến 9h30 sáng 8/7, các xe chở rác mới bắt đầu vào lại được bãi rác Khánh Sơn. Cùng lúc, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP Đà Nẵng có văn bản 79/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại buổi đối thoại sáng 6/7 với các hộ dân khu vực bãi rác Khánh Sơn. Trong đó có đề cập kiến nghị của họ về di dời bãi rác và không xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn:

“Về vấn đề này TP đã có chủ trương nâng cấp cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn, trong đó có đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, tốt hơn công nghệ chôn lấp hiện nay và đảm bảo các tiêu chuẩn về moi trường theo quy định” – Văn bản 79/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng.

Công ty EverBright International từng bị... ca thán tại Cần Thơ

Theo tìm hiểu của PV Infonet, Công ty EverBright International (Trung Quốc) cũng chính là đơn vị thực hiện dự án nhà máy xử lý rác phát điện Cần Thơ có tổng diện tích 5,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng. Thời gian vận hành nhà máy 20 năm, mỗi ngày có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát 150.000 kwh điện. Đơn vị quản lý dự án này là Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ.

Đây được xem là dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác sinh hoạt đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhà máy mới chính thức hoạt động ngày 8/12/2018 thì ngày 14/1/2019, báo Tuổi Trẻ đã có bài “Nhà máy rác ngàn tỉ Cần Thơ, mới hoạt động hơn 2 tháng đã hết chỗ chứa tro bay”. Trong đó cho biết, sau khi xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện, lượng tro xỉ còn lại khoảng 18-20%, riêng tro bay hơn 4% (15-18 tấn/ngày) chưa có phương án xử lý, đang chứa trong kho của nhà máy. Nhưng sức chứa của nhà kho có hạn, nếu không xử lý kịp thời thì lượng tro bay phát sinh trong thời gian tới sẽ không còn chỗ chứa.

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có bài “Cần Thơ đau đầu tìm giải pháp xử lý tro bay của nhà máy rác”. Theo đó, đại diện nhà máy cho biết, số tro xỉ được bán cho các đơn vị có nhu cầu để san lấp mặt bằng, còn đối với tro bay thì phía nhà máy và TP Cần Thơ đang tìm phương án xử lý. Hiện số lượng tro bay vẫn đang được chứa trong kho của nhà máy cần phải có phương án xử lý gấp vì kho chứa của nhà máy đã quá tải.

Tương tự, báo Thanh Niên có bài “Nhà máy đốt rác ngàn tỉ mới chạy đã lo hết chỗ chứa tro xỉ, tro bay”, đưa tin ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ ngày 14/1/2019 đã đi kiểm tra và giải quyết việc xử lý tro xỉ của nhà máy này. Tại buổi làm việc, ông Đào Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành và nhà máy tính toán phương án xử lý để tham mưu, đề xuất cho UBND TP Cần Thơ. Đồng thời khẳng định nếu kho chứa tro bay đầy mà vẫn chưa có giải pháp xử lý thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm.

Đến ngày 28/1/2019, báo Tiền Phong tiếp tục có bài “Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ: Tro xỉ phát sinh nhiều hơn công bố” cho hay, theo giám định của Sở KH-CN Cần Thơ thì khối lượng tro xỉ phát sinh chiếm khoảng 25,5% khối lượng rác đưa vào lò đốt, trong khi theo thuyết minh khoa học và công nghệ ban đầu của nhà máy là không quá 20%.

Về nhãn hiệu, 64% thiết bị có nhãn hiệu phù hợp với công bố, còn 36% thiết bị có nhãn hiệu nhưng không phù hợp với công bố. Một số thiết bị nhập từ các nước G7, còn lại hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy ngày 22/1/2019, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ có biện pháp kỹ thuật đảm bảo lượng tro xỉ theo thỏa thuận đã ký kết và bổ sung thiết bị đo đạc, ghi nhận thông số vận hành nhà máy...

Câu hỏi đặt ra là, nếu nhà máy điện rác mà Đà Nẵng cho phép Công ty EverBright International (Trung Quốc) liên doanh với Công ty CP Môi trường Việt Nam triển khai tại "điểm nóng" Khánh Sơn cũng xảy ra tình trạng như ở nhà máy của họ trong Cần Thơ thì ai trong lãnh đạo TP sẽ chịu trách nhiệm cá nhân? HĐND TP có cơ chế gì để ràng buộc việc chịu trách nhiệm này? Chịu ra sao? Hay trăm dâu sẽ lại đổ lên đầu... người dân Hòa Khánh, Hòa Minh, Khánh Sơn, Đà Sơn, Đại La, Phước Lý, Liên Chiểu... như mấy chục năm qua?

HẢI CHÂU

Từ khóa: Đà Nẵng Cần Thơ Trung Quốc Khánh Sơn Việt Nam công an ô nhiễm Công ty EverBright International

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/da-nang-phai-lua-chon-ky-cong-nghe-cho-nha-may-dien-rac-khanh-son-post305337.info