Đà Nẵng: 'Nóng' vì ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường tại quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng là bức xúc nổi cộm được đưa ra bàn thảo.

Đây là vấn đề nổi cộm nhất tại Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” số thứ 3 do Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Tham dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Dân khốn khổ hàng chục năm

Tại buổi làm việc, cử tri Phạm Bá An (quận Liên Chiểu) cho biết: Ô nhiễm tại khu vực Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu do khu vực này tập trung quá nhiều nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao như nhà máy xi măng, nhà máy thép, nhà máy cao su, nhà máy giấy… “Người dân khu vực đã phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng”. - ông An nói.

Phải sống ở khu vực bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ các nhà máy trong Khu công nghiệp “nhân dân đã rất khốn khổ hàng chục năm nay”, ông An chia sẻ bức xúc.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Thanh (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) lại đề cập đến vấn đề nhức nhối khác là bãi rác Khánh Sơn. Ông Thanh nói, theo kế hoạch của thành phố, năm 2019 bãi rác Khánh Sơn sẽ được chuyển đi, người dân rất mong chờ kết quả bởi ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác đã không còn chỉ tại khu vực xung quanh nữa mà đã làm ô nhiễm đến cả thượng lưu và hạ lưu của sông Đa Kao.

Bãi rác Khánh Sơn tại Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng

Ông Thanh khẩn thiết bày tỏ: “Bãi rác đã có tồn tại ở đây 25 năm rồi. Người dân chỉ mong mỏi thành phố thực hiện đúng tiến độ là di dời vào năm 2019”

Về vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: Vấn đề gây ô nhiễm của KCN Liên Chiểu cũng như các KCN khác, Sở Xây dựng đã có báo cáo và cần có lộ trình giải quyết, xem xét và chuyển đổi công năng.

Tại KCN Liên Chiểu, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng vẫn đang thực hiện các giải pháp trước mắt như trồng cây xanh nhưng việc trồng cây cách ly chưa được hiệu quả… Ngoài ra theo ông Hùng, quy định tiêu chuẩn là cách ly một ngàn mét nhưng các nhà máy trong Khu công nghiệp Liên Chiểu không có cơ sở nào đáp ứng điều kiện này thậm chí, như nhà máy xi măng chỉ cách khu dân cư 100 mét.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng đồng tình với phản ánh của người dân, trồng cây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là giải pháp lâu dài.

Trả lời về bãi rác Khánh Sơn, ông - Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, bãi rác được xây dựng với công nghệ xử lý chôn lấp, theo thiết kế ban đầu sẽ đóng cửa vào năm 2022. "Hiện tình hình dự báo chất thải rắn phát sinh cũng phù hợp với thiết kế này. Vấn đề lớn nhất hiện nay của ô nhiễm môi trường từ bãi rác ngoài mùi hôi còn là ô nhiễm do nước rỉ rác", ông Nam nói.

Theo ông Lê Quang Nam, khi Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn thay thế bãi rác Khánh Sơn được hoàn thành sẽ xử lý được cơ bản vấn đề ô nhiễm của bãi rác thành phố từ các khâu thu gom, xử lý…

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn nước ngoài cho dự án Khu liên hiệp chất thải rắn là Ngân hàng thế giới dự báo phải đến 2022 Khu liên hiệp mới xong. Đà Nẵng đang làm việc để yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành. Ông Lê Quang Nam cũng chỉ khẳng định mong muốn công trình được đúng thời gian mà không đưa ra được một cam kết cụ thể nào. Trường hợp dự phòng, Đà Nẵng sẽ sử dụng 5 hecta đất ở phía tây để sử dụng thay thế khi bãi rác Khánh Sơn đã đầy, ông Nam cho biết.

Thành phố đang thúc đẩy các giải pháp

Ông Tô Hùng – Trưởng ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng đề nghị, cần phải nhanh chóng tìm giải pháp giải quyết chứ không thể đổ lỗi cho lịch sử.

Nhiều ý kiến đề nghị thành phố nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm của Quận Liên Chiểu tại Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” số thứ 3 của TP Đà Nẵng sáng 15/5

Cũng theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP, để giải quyết vấn đề ô nhiễm cần nguồn lực rất lớn, nguồn ngân sách khó đảm bảo. Chính vì vậy cần sớm xây dựng kế hoạch tổng thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, kể cả kiến nghị trung ương cần các chính sách cơ chế cụ thể trong việc huy động nguồn lực hay rút ngắn thời gian cấp thủ tục đầu tư cho các dự án giải quyết bức xúc.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cũng yêu cầu, cần tiến hành việc chuyển đổi công năng các nhà máy, và tính toán lộ trình di dời để giải quyết tình trạng.

Phát biểu cuối cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, phải tập trung vào các giải pháp trước mắt giải quyết bức xúc về môi trường. Ông Thơ cho biết, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm từ vụ việc Dana Ý và Dana Úc. Thêm vào đó, do bản thân các nhà máy cũng chưa chấp hành đúng các quy định bảo vệ môi trường nên cần tiến hành giám sát thực hiện nghiêm ngặt các quy định. Trong dài hạn, Đà Nẵng thực hiện quy hoạch bố trí khu vực trồng cây xanh và sẽ không giao đất khu vực này cho các nhà máy nữa.

Về bãi rác Khánh Sơn, Chủ tịch Đà Nẵng cho biết hiện có một bất cập là việc tiến hành Khu liên hiệp xử lý kéo dài, “lâu hơn chúng ta tưởng rất nhiều”. Đà Nẵng đã làm việc với Ngân hàng thế giới ADB, yêu cầu cam kết tiến độ và “nếu không đảm bảo tiến độ thì có thể phải nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư với phức thức khác”, ông Thơ nói.

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đặt vấn đề: “Nếu đến năm 2021 -2022 mà công trình này (Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn thay thế bãi rác Khánh Sơn – PV) vẫn chưa có được thì sẽ là vấn đề hết sức nan giải. Khi đó, sẽ báo cáo Thường trực cho ý kiến chỉ đạo”.

Kiều Vũ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/da-nang-hoi-dong-nhan-dan-nong-vi-o-nhiem-moi-truong-129238.html