Đà Nẵng: Nỗi lo tích hợp không gian xanh

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quản lý phát triển đô thị xanh. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, như nhiều địa phương khác, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng trải đầy những thách thức, khó khăn...

Rạn Nam Ô (Liên Chiểu) là không gian xanh lý tưởng cần được bảo vệ trước tác động của con người

Rạn Nam Ô (Liên Chiểu) là không gian xanh lý tưởng cần được bảo vệ trước tác động của con người

Thời gian qua, mật độ cây xanh đô thị của Đà Nẵng ngày một tăng với sự đa dạng và phong phú các chủng loại cây, góp phần tạo nên một “Thành phố xanh” - màu xanh của biển, của rừng. Để cây xanh đô thị phát triển ổn định và bền vững, từ năm 2011, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Đề án Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng. Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thiện danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cây xanh cấm trồng trên đường phố, ven biển thuộc địa bàn thành phố.

Trong đó, yếu tố được quan tâm hàng đầu là đặc điểm, khả năng chống chịu của cây xanh đối với tác động của mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó hiệu quả với tác động biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Một số loài cây xanh được triển khai trồng trên vỉa hè các tuyến đường ven biển như Dừa, Bàng biển, Phi lao, Tra, Mù u… bước đầu cho thấy sự phù hợp, thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ven biển.

Quy hoạch đô thị xanh với các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị thể hiện tầm nhìn phát triển không gian sống xanh cho tương lai

Tuy nhiên, song song với việc phát triển cây xanh đô thị, quy hoạch đô thị xanh của Đà Nẵng còn đó nhiều nỗi lo. Kiến trúc sư Hoàng Sừ cho rằng, hiện tại các đồ án quy hoạch của thành phố đều chọn phát triển theo hướng thấp tầng và đô thị sinh thái. Các quy hoạch chi tiết thiên về phân lô nhỏ, khai thác tối đa đất đai tràn lan, lãng phí đất nhưng lại dẫn đến gần như cạn kiệt quỹ đất dự trữ. Đồng thời, Đà Nẵng dần đánh mất cơ hội tổ chức không gian kiến trúc sông - biển…

Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng nhìn nhận rằng, đã có những bất cập trong tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị xanh của Đà Nẵng. Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng và đặc biệt là thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị xanh… là những vấn đề bất cập trong quy hoạch đô thị xanh của Đà Nẵng.

Với dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng là 2 triệu người và đến năm 2050 là 3 triệu người, trong khi quỹ đất đô thị rất hạn hẹp

Theo ông Tô Văn Hùng, quy hoạch đô thị xanh là các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị là thể hiện tầm nhìn phát triển không gian sống xanh cho tương lai. Xây dựng một công trình, dù lớn đến mấy, nếu có sai sót và không phù hợp thì có thể sửa chữa, thậm chí đập đi xây lại, nhưng nếu quy hoạch có lỗi thì việc sửa chữa là hết sức khó khăn. Mỗi đô thị có một vị trí địa lợi và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau.

Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng là 2 triệu người và đến năm 2050 là 3 triệu người, trong khi quỹ đất đô thị rất hạn hẹp. Để quy hoạch đô thị xanh của Đà Nẵng đúng theo những mong muốn đã đề ra, theo KTS Hoàng Sừ, thành phố nên lựa chọn mô hình đô thị nén, tức là đô thị phát triển theo chiều cao, dành nhiều đất cho cây xanh và hạ tầng đô thị, đặc biệt cần xác định những vùng đất dự trữ phát triển mảng xanh cho tương lai của thành phố.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/da-nang-noi-lo-tich-hop-khong-gian-xanh-1272585.html