Đà Nẵng: Nhìn nhận lại công tác quản lý và các chính sách ưu đãi

TP. Đà Nẵng là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp và thương mại với nhiều khu KCN tập trung, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp, vị trí giao thông thuận lợi, cùng với đó là định hướng chuyển đổi xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực dồi dào.

Lượng khách du lịch lớn cùng các hệ thống mua bán thương mại đa dạng góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Theo một số ý kiến của lãnh đạo thành phố, giải quyết một số vướng mắc về chính sách sớm sẽ giúp cho ngành công nghiệp nơi đây phát triển hơn nữa.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Đà Nẵng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn TP. Đà Nẵng (giá so sánh 2010) năm 2018 ước đạt 53.750 tỷ đồng; tổng cộng giai đoạn 2015-2018 đạt 192.864 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng với việc gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp sạch…

Các lĩnh vực như: điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo (máy móc thiết bị, phương tiện...), sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng cao (dược phẩm, thực phẩm ăn liền, sữa, bia, các loại đồ uống cao cấp, thời trang trung và cao cấp...) có xu hướng chuyển dịch để phù hợp với các yêu cầu xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp. Việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao bước đầu đạt được kết quả nhất định, ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng tích cực (12%/năm) và ngày càng có đóng góp lớn trong tăng trưởng công nghiệp thành phố, chiếm 28,3% cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018. Đáng chú ý hiện nay đã hình thành một số sản phẩm có quy mô khá lớn của các doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp trong nước như săm lốp, cao su, sợi, bao bì, chi tiết phụ tùng máy móc thiết bị, linh kiện điện, điện tử, bộ phận, phụ tùng ô tô.

Công ty K&H - một đơn vị công nghiệp tại Đà Nẵng chuyên về máy móc công nghệ đồ uống, nước giải khát

Thị trường TP. Đà Nẵng giai đoạn 2015-2018 đã có những diễn biến khá sôi động, với việc trong 3 năm trở lại đây Đà Nẵng đã tổ chức nhiều sự kiện lớn hàng năm như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động phụ trợ đã thu hút lượng lớn du khách đến với thành phố, do đó tình hình thị trường hoạt động mua bán, trao đổi rất sôi nổi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2018 ước đạt 90.200 tỷ đồng; tổng giai đoạn 2015-2018 đạt 305.772 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm.

Nhìn chung, hạ tầng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại cũng như nhu cầu của người dân và du khách; hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại được đầu tư cả về số lượng với đủ các thương hiện như Vinmart, Lotte, Big C, Co-op mart, các trung tâm thương mại lớn cùng vô số các cửa hàng bán lẻ…, quy mô theo hướng ngày càng văn minh với phương thức kinh doanh hiện đại đẩy giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá cao. Song để gìn giữ, quảng bá và nhân rộng nét văn hóa, văn minh thương mại mà thành phố đang tự hào có được, các cơ quan chức năng cần vào cuộc đồng thời tiến hành xử lý chợ tạm, chợ cóc để tránh tình trạng nhếch nhác, không bảo đảm an toàn giao thông. Trong lĩnh vực thương mại, toàn thành phố hiện có hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu từ 3 triệu USD trở lên, trong đó hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10 triệu USD.

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, tốc độ tăng trưởng công nghiệp toàn thành phố giai đoạn 2015-2018 bình quân đạt thấp (8%/năm) so với mục tiêu nghị quyết (10,5-11,5%/năm) và thấp so với giai đoạn 2011-2015 (10,4%). Tuy nhiên, nếu so với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2013-2015 (8,7%) thì tăng trưởng công nghiệp trong 3 năm 2016-2018 phản ảnh đúng thực chất quy mô ngành công nghiệp thành phố vẫn còn nhỏ và chưa có bước phát triển đột phá so với nhiều địa phương khác trong vùng và trong cả nước.

Theo ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã quan tâm không đúng mức đối với sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dẫn đến việc bị mất đi một số ngành, công ty sản xuất truyền thống như nhựa, dệt may, dưỡng khí, cơ khí... Với vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế của một địa phương, một quốc gia, Bí thư Trương Quang Nghĩa yêu cầu, trong thời gian tới, ngành công thương cần tăng cường trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước, nắm bắt rõ mọi lĩnh vực thuộc ngành, từ đó đề xuất phương án xử lý những tồn tại mà doanh nghiệp đang chờ đợi.

Trong một buổi làm việc gần đây, ông Trương Quang Nghĩa cũng đã đề nghị các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, phải giải quyết tình trạng doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ không hay làm kho bãi, cần nhìn nhận lại công tác quản lý và các chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Sở Công Thương cần phải đánh giá vai trò của phát triển sản xuất công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, việc quy hoạch các ngành sản xuất có phù hợp với sự phát triển của thành phố hay không. Ngoài ra, Sở Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; hết sức lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều kênh hơn nữa để kịp thời tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-nhin-nhan-lai-cong-tac-quan-ly-va-cac-chinh-sach-uu-dai-110976.html