Đà Nẵng nhiễm mặn, thủy điện không cứu?

Số liệu vận hành các hồ chứa thủy điện từ đầu tháng 6 đến nay, cho thấy hồ thủy điện A Vương nhiều ngày vận hành không đúng quy định.

Báo cáo mới đây từ Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) cho biết, trong 3 ngày 16-18/6/2019, độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ tăng cao, thường xuyên duy trì trên 1000 mg/l và tăng đến 3.448 mg/l khiến việc sản xuất nước thô của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Hạ du các con sông ở Quảng Nam trơ đấy vì thủy điện tích nước. Ảnh: Dân Việt

Hạ du các con sông ở Quảng Nam trơ đấy vì thủy điện tích nước. Ảnh: Dân Việt

Trước tình hình trên, Đà Nẵng đã có kiến nghị Bộ TN-MT và UBND Quảng Nam yêu cầu thủy điện A Vương mỗi ngày vận hành liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày từ 25-28 m3/s.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Lê Công Thành đã có công văn gửi các chủ hồ chứa nêu rõ nội dung, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng về việc chỉ đạo các thủy điện đầu nguồn vận hành xả nước theo lịch đến hết tháng 8.

Cụ thể, đối với hồ thủy điện A Vương, mỗi ngày vận hành liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày với lưu lượng 20-30m3/s (từ ngày 27-5 đến 10-6) và lưu lượng trung bình ngày từ 15-20m3/s (từ 11-6 đến 31-8).

Tuy nhiên, thực tế theo dõi số liệu vận hành các hồ chứa thủy điện từ đầu tháng 6 đến nay, cho thấy hồ thủy điện A Vương nhiều ngày vận hành không đúng quy định.

Theo đó, một số ngày tổng lưu lượng xả rất nhỏ: 2,6 m3/s; 3,2 m3/s; 5 m3/s; 10,2 m3/s. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm mặn nguồn nước cấp sinh hoạt tại Đà Nẵng trong những ngày qua.

“Mặc dù việc thông tin liên lạc về tình hình nhiễm mặn được thực hiện thường xuyên, liên tục giữa Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng với Giám đốc các hồ chứa thủy điện A Vương, sông Bung 4 để phối hợp vận hành hồ chứa đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa.

Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết nắng nóng và nguồn nước tại các hồ chứa hiện có đang đe dọa an toàn cấp nước của thành phố Đà Nẵng hiện tại và các tháng mùa cạn sắp đến nếu việc điều tiết, sử dụng nguồn nước không hợp lý”- bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước chia sẻ.

Về phía thủy điện A Vương, giải thích trên Tuổi trẻ, ông Ngô Xuân Thế - phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - thừa nhận có việc hồ chứa không xả nước đúng như chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường.

Theo ông Thế, do quy định không được tách nhà máy phát điện nào ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.

Việc chạy phát điện, hòa lưới như thế nào đều phụ thuộc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) dựa trên mức độ tính toán cân đối an ninh năng lượng trên toàn quốc.

Ông Thế cho rằng việc chọn "nghe" theo bộ và địa phương "đứng chân" hay theo A0 trong trường hợp này vẫn là một khiếm khuyết cần bổ sung trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn 1537 của Thủ tướng Chính phủ mà thủy điện A Vương nhiều lần kiến nghị.

Ông Thế cho biết thêm, ngày 19/6 vừa qua A Vương đã có công văn gửi A0 báo cáo về tình hình nguồn nước hiện có tại hồ A Vương và đề nghị A0 hỗ trợ lập kế hoạch vận hành với lưu lượng trung bình ngày tối thiểu 25m3/s.

Kêu khó

Tình trạng Đà Nẵng bị nhiễm mặn vào cuối vụ hè thu đã diễn ra phổ biến từ 2010. Đến hẹn, Đà Nẵng lại phải đi "xin nước" từ thủy điện để đẩy mặn và có nước sạch cung cấp cho người dân.

Năm 2018, Đà Nẵng đã có công văn xin nước đẩy mặn, khi đó, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, các hồ trên lưu vực theo chế độ vận hành điều tiết hàng năm, trước mùa mưa thì đã dùng hết thể tích nước dự trữ trong hồ, đến thời gian mùa mưa từ đầu tháng 9 đến nay thì lưu lượng thấp nên rất khó khăn.

"Chúng tôi đã chủ động phối hợp với nhà máy nước Cầu Đỏ tăng lượng nước xả bằng cách phát dưới mực nước chết. Việc này có nhiều điều kiện kỹ thuật khắt khe nhưng chúng tôi vẫn đang làm như vậy. Chúng tôi sẽ phối hợp thế nào đó cho tốt nhất.

Còn thời điểm này nước không còn, đã ở mức nước chết rồi. Có thời điểm chúng tôi phát dưới mực nước chết cả nửa mét, dù điều kiện kỹ thuật rất khó khăn, dễ gây hư máy nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận", Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương chia sẻ.

Nhận định về tình trạng trên, GS. TS, Nguyễn Thế Hùng - Khoa Xây dựng thủy lợi, thủy điện - ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, việc Đà Nẵng lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng là hệ lụy từ việc xây dựng thủy điện thiếu cẩn trọng, không có đánh giá tác động đầy đủ.

GS Nguyễn Thế Hùng cho biết, sự tồn tại của thủy điện Đăk Mi 4 đã gây ra sự tác động rất lớn làm thay đổi dòng chảy, khiến lượng nước từ sông Quảng Huế về sông Vu Gia chảy xuống sông Thu Bồn ngày càng ít đi.

Đà Nẵng đòi trả nước hạ du, thủy điện kêu khó

Cùng với việc ít mưa, lại phải chia tới 80% về thủy điện, hơn nữa, vào mùa kiệt, mực nước hồ thủy điện xuống thấp, các thủy điện lại đóng đập tích nước ngăn nước chảy về hạ du việc thiếu nước là hiển nhiên.

"Cũng giống như tạo ra một sản phẩm trái mùa vậy, nếu phát điện vào thời điểm căng thẳng, thiếu nước thì giá điện bao giờ cũng cao hơn. Vì lý do này, các nhà máy thủy điện luôn tính toán để có lợi cho mình, làm sao giảm được chi phí đầu vào những vẫn có được lợi nhuận bán ra.

Tích nước là giải pháp các thủy điện vẫn làm để bảo đảm cho công tác phát điện vào mùa khô được ổn định. Tất nhiên, khi tính toán lợi ích cho các nhà máy thủy điện thì lợi ích của người dân vùng hạ du đã bị xem nhẹ hoặc bị lãng quên", GS Nguyễn Thế Hùng trăn trở.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/da-nang-nhiem-man-thuy-dien-khong-cuu-3382551/