Đà Nẵng nhiễm mặn kỷ lục: Thủy điện có lỗi không?

Nước trên thượng du bị thủy điện giữ lại để phục vụ sản xuất, nguồn nước ngọt bổ sung bị mất đi, nước mặn sẽ tiến sâu vào đất liền.

Tình trạng mất nước đang xảy ra tại nhiều khu vực của Thành phố Đà Nẵng vào giờ cao điểm. Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), nguyên nhân tình trạng này là do sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng liên tục trong những ngày qua.

Từ ngày 16/8 đến nay, độ mặn ở đây luôn vượt ngưỡng khai thác nước thô, có thời điểm sông bị nhiễm mặn lên đến hơn 2.666mg/lít (vào ngày 19/8, gấp gần 14 lần mức cho phép khai thác), dẫn đến không đủ nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động.

Trao đổi với Đất Việt chiều 21/8, GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, với nước bị nhiễm mặn lên tới trên một phần nghìn (1000mg/lít), nhà máy xử lý nước sẽ không xử lý được. Để có thể xử lý được nước có độ mặn cao như vậy sẽ phải dùng rất nhiều hóa chất, làm mất đi nhiều thành phần khác trong nước.

Mức độ nhiễm mặn của nước chỉ cần quá 300 mg/lít là đã không thể sử dụng trong sinh hoạt. Nếu sử dụng nước bị nhiễm mặn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 3 tuổi.

"Trẻ em sử dụng nước bị nhiễm mặn sẽ khiến các nơron thần kinh ngừng phát triển, anh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của chúng. Đây là điều mà Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) không bao giờ cho phép", GS. Hồng nhấn mạnh đồng thời hi vọng thành phố Đà Nẵng nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Đà Nẵng thiếu nước vì nguồn nước thô vào Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trầm trọng nên người dân đi lấy từng thùng nước về sinh hoạt. Ảnh: NLĐ

Đà Nẵng thiếu nước vì nguồn nước thô vào Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trầm trọng nên người dân đi lấy từng thùng nước về sinh hoạt. Ảnh: NLĐ

Theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam muốn tìm ra giải pháp thì trước tiên phải tìm ra được căn nguyên vì sao nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn. Thời gian gần đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trung ương không có thông báo về việc thủy triều lên cao. Thủy triều vẫn diễn ra theo quy luật bình thường, độ mặn của nước biển cũng không có sự biến động. Như vậy, có thể loại bỏ nguyên nhân do thiên nhiên.

Từ đó, TS. Vũ Trọng Hồng ra hai giả thiết. Thứ nhất, trên thượng nguồn của các con sông thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có rất nhiều thủy điện và sông Cẩm Lệ không phải là ngoại lệ. Nước trên thượng du bị thủy điện giữ lại để phục vụ sản xuất, nguồn nước ngọt bổ sung bị mất đi, nước mặn sẽ tiến sâu vào đất liền.

"Tháng 7, khi tôi tham gia một chương trình của VTV8 thì lúc đó Đà Nẵng đang hạn nặng, thế nhưng nhà máy xử lý nước không có ý kiến gì về việc nước nhiễm mặn. Thế nhưng, mới đây nhà máy mới lên tiếng về việc này, do đó nhiều khả năng các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn bắt đầu tích nước để phát điện", ông Hồng đặt vấn đề.

Thứ hai, Đà Nẵng cần phải xem có nhiều nhà máy sản xuất lấy nước từ thượng nguồn sông Cẩm Lệ để sử dụng hay không. Nếu có thì rất nguy hiểm, nó sẽ làm giảm lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, khiến tình trạng xâm mặn nặng nề hơn.

Đề xuất phương án giải quyết cho tình trạng nhiễm mặn tại sông Cẩm Lệ, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, thành phố Đà Nẵng có thể dựa vào Luật thủy lợi (có hiệu lực từ tháng 7 năm 2018). Luật này quy định, khi hạ du bị thiếu nước thì tất cả các hồ chứa nước đều phải xả xuống hạ du.

Vì thế, Đà Nẵng có thể ban bố tình trạng thiếu nước, qua đó yêu cầu tất cả các thủy điện ở thượng nguồn phải xả nước ngọt xuống hạ du. Nếu nhà máy thủy điện không có cống xả thì có thể dùng máy bơm đưa nước từ hồ chứa ra sông.

Ngoài ra, các địa phương từ cấp huyện cấp xã, nơi nào có chỗ tích trữ nước ngọt thì phải xả ra sông để cứu nhà máy nước. Bởi lẽ, nhà máy nước là nguồn sống của hàng triệu người dân. Những điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của UBND thành phố Đà Nẵng.

Trao đổi với Đất Việt chiều 20/8, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị này cùng các phòng ban liên quan sẽ tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình nhiễm mặn tại sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ. Từ đó, tìm ra giải pháp phù hợp, sớm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Để giải quyết vấn đề trước mắt, Dawaco đã liên tục vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước thô về cho 2 nhà máy nước này hoạt động nhưng do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.000m3/ngày, không đủ nhu cầu thực dụng của thành phố vào khoảng 306.000m3/ngày.

Dawaco đã liên hệ với Công ty CP Thủy điện A Vương và đề nghị tăng nước xả về sông Vu Gia để đẩy mặn. Đồng thời khuyến cáo người dân có kế hoạch tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm trong những ngày tới.

Về lâu dài, Đà Nẵng cũng đang đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ đồng thời nâng cấp hệ thống bơm ở An Trạch.

Với tình hình nhiễm mặn gia tăng và duy trì liên tục ở ngưỡng trên 1000mg/l như hiện nay, Dawaco cho biết công suất cấp nước tại các nhà máy sẽ giảm và lượng nước thiếu hụt sẽ gia tăng theo mức độ nhiễm mặn tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ.

Thành Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/da-nang-nhiem-man-ky-luc-thuy-dien-co-loi-khong-3386059/