Đà Nẵng: Nhiệm kỳ 2015-2020, bước tạo đà quan trọng cho thời kỳ phát triển mới

Đồng chí TRƯƠNG QUANG NGHĨA

Đồng chí TRƯƠNG QUANG NGHĨA

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu vượt lên, tạo nên một nhiệm kỳ giàu cảm xúc, ý nghĩa và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; có thể khái quát qua 10 dấu ấn nổi bật, như sau:

1. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tập trung khắc phục các khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đảng đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Thành ủy đã nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan và khắc phục có hiệu quả các sai phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 292-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, kịp thời kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt Thành ủy; điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt Quy chế làm việc; xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Điều lệ Đảng, xem đây là một trong những yếu tố quyết định đối với công tác xây dựng Đảng, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển của thành phố.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp tục được đổi mới và đạt được một số kết quả quan trọng, cơ bản đảm bảo chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo thành phố. Quy trình về công tác cán bộ đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Đã tiến hành quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch các chức danh diện Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và 2016-2021, 2021-2026 cho 1.017 lượt cán bộ; giới thiệu để Trung ương quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản thực hiện theo quy hoạch, chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; chú trọng tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, tập trung vào những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm, những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm… Sau kiểm tra, giám sát, đã xử lý nghiêm minh, công khai các sai phạm, vi phạm; qua đó, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái trong Đảng.

2. Tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; nhiều năm liền giữ vững thứ hạng cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách hành chính, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhiệm kỳ qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Hệ thống chính quyền điện tử bước đầu được hình thành với 269 cơ quan đang sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, 95% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2018, thành phố đã ban hành và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đã ký kết hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức uy tín để triển khai thành phố thông minh, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và hành chính, dịch vụ công. Nhờ đó, trong 11 năm liên tiếp (2009-2019), Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index). Năm 2019, xếp hạng Nhất về Chính phủ điện tử; thứ 5 toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thứ 6 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đạt giải thưởng Thành phố thông minh ASOCIO 2019 của Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương và nhiều giải thưởng của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế. Đà Nẵng được chọn là một trong 03 đại diện của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.

3. Củng cố niềm tin và phát huy sự đồng thuận của người dân đồng hành cùng thành phố trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Đảng nói - dân tin”, “Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”, “Chính quyền làm - dân ủng hộ”.

Năm năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã phối hợp triển khai đồng bộ công tác dân vận, chính trị tư tưởng, đối ngoại nhân dân. Chú trọng củng cố, bồi đắp niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân thông qua chủ trương lãnh đạo, điều hành nhất quán, công khai, minh bạch và quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, vừa kết hợp hiệu quả với công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận, đoàn thể các cấp. Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở, tạo sự đồng thuận, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Có thể khẳng định, thành phố đã huy động khá hiệu quả sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, một lần nữa cho thấy tinh thần đoàn kết, đùm bọc và sự đồng thuận của người dân, sẵn sàng làm tất cả vì sự phát triển chung của thành phố. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước phát động triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Tích cực vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo, chức sắc tôn giáo đóng góp xây dựng, phát triển thành phố. Đó là kết quả tổng hòa của ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm “Đảng nói - dân tin”, “Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”, “Chính quyền làm - dân ủng hộ” để không ngừng củng cố niềm tin, phát huy sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

4. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai kịp thời và đạt được một số kết quả bước đầu tạo nền tảng cho sự phát triển của thành phố, nổi bật là tham mưu ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi khá hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua vẫn còn hạn chế và thực tế đó, đặt ra cho Đà Nẵng phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá. Vì vậy, Thành ủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đây là văn kiện có ý nghĩa định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển và tiếp thêm động lực, niềm tin cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn mới đầy thách thức và kỳ vọng.

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Sau hơn 01 năm triển khai, đã đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực, nổi bật là đã phối hợp tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo nền tảng quan trọng cho việc tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian đến.

5. Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch phát triển với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, không gian đô thị đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quá trình phát triển đó đã bộc lộ những bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai. Nhận thấy được bất cập này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Thông báo số 331-TB/TU ngày 31/01/2018 để tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch và cụ thể hóa thực hiện các công trình, dự án được dư luận quan tâm([1]); thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp.

Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 331-TB/TU, thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặt ra quan điểm phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; tập trung phát triển 3 trụ cột chính, đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.

Nhằm tạo ra những tư duy, cách tiếp cận mới trong quy hoạch để làm động lực cho đà phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, thành phố đã phối hợp với tư vấn Singapore xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này có ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét, định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp của thành phố, được chia thành 03 vùng đô thị đặc trưng và 01 vùng sinh thái với 12 phân khu, tạo lập 02 vành đai kinh tế chính([2]); điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm thành phát triển đa cực; ưu tiên tái thiết các khu đô thị cũ thành khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng.

6. Tập trung triển khai thực hiện các dự án mang tính động lực, trọng điểm và khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng, tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn, tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Chủ trương đó đã được Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là Kết luận số 171-KL/TU ngày 23/4/2018 đã xác định lộ trình và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư triển khai 82 dự án động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng; nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả([3]); cơ sở hạ tầng phục vụ xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư được đầu tư hoàn thiện([4]); hệ thống dịch vụ y tế phát triển theo hướng chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế([5]); các dự án văn hóa trọng điểm, công trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp được quan tâm đầu tư([6]).

7. Đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017; 3 năm (2018-2020) triển khai Chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định thương hiệu thành phố sự kiện, điểm đến đầu tư, du lịch đạt tầm cỡ quốc tế.

Công tác đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn, quan trọng của khu vực và quốc tế như Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2016 (ABG5), Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) và các hoạt động bên lề, Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017. Có thể nói, Đà Nẵng đã hoàn thành tốt trọng trách và vinh dự của thành phố đăng cai, tạo dấu son trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, tạo ra cơ hội mới, thuận lợi lớn cho thành phố về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch.

Từ những động lực, sức bật mới của sự kiện APEC và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, xác định thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố, Đà Nẵng liên tục chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” để tập trung triển khai trong các năm 2018, 2019, 2020 với trọng tâm là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức các chương trình Tọa đàm mùa Xuân hằng năm, đã mang lại sự chuyển biến lớn về kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2020, thu hút hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng hơn 2 lần và gấp 3 lần số vốn so thời điểm 2015; đã thu hút đầu tư, hoàn thành, đưa vào hoạt động nhiều dự án lớn phù hợp với các định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội thành phố([7]). Đây là tiền đề quan trọng, tạo động lực phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững hơn.

8. Thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhân dân; chủ động triển khai “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đợt bùng phát từ cuối tháng 7/2020 diễn ra nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các địa phương bạn, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, thành phố đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung ở mức độ cao nhất; thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội; kịp thời xét nghiệm, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị, xử lý triệt để các nguồn lây, không để bùng phát diện rộng([8]); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Đến cuối tháng 8/2020, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đủ năng lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19/5/2020, Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 03/9/2020 chỉ đạo quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, có biện pháp chung sống an toàn với dịch, đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp khôi phục, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến ngày 25/9/2020, mọi hoạt động tại thành phố trở lại trạng thái bình thường.

9. Thực hiện hiệu quả các chương trình đậm tính nhân văn (thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”), gắn với xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới.

Kế thừa và phát huy thành quả của Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an” và các chính sách an sinh xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ qua được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo động lực và nền tảng để xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự được triển khai quyết liệt; kịp thời trấn áp và kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm; tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, với việc thực hiện có hiệu quả thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, tạo được sự an tâm cho người dân và du khách. Thành phố đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Công tác giảm nghèo về đích trước 2 năm theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020; các đề án “Có nhà ở”, “Có việc làm” được chú trọng triển khai, đạt những kết quả quan trọng([9]).

Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được ban hành từ năm 2014 và duy trì thực hiện đến nay đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong ý thức của người dân; từng bước xây dựng bản sắc văn hóa thân thiện, nếp sống văn minh đô thị của người Đà Nẵng. Đời sống văn hóa ở cơ sở, môi trường văn hóa có chuyển biến tích cực; các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh ngày càng thâm nhập sâu vào ý thức mỗi người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn huyện Hòa Vang đã cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2010-2020 hơn 4.600 tỷ đồng. Hòa Vang đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Quyết định số 2513/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ và đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

10. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; triển khai hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, tạo sự an tâm, an toàn cho người dân và du khách.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố năm 2019; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh; tích cực xây dựng Hải đội dân quân thường trực và huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đẩy mạnh triển khai thông qua các chuyên đề “An ninh trật tự”, “An toàn giao thông”; trong đó chú trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài; quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh có điều kiện; tăng cường quản lý cư trú, quản lý địa bàn. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định, góp phần tạo nên hình ảnh thành phố Đà Nẵng an bình, trở thành điểm đến tin cậy, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, có thể nói đây là nhiệm kỳ có nhiều biến động và giàu cảm xúc đối với Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Trong bối cảnh thành phố đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là, vừa phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, vi phạm theo các kết luận của Trung ương và những bất cập trong quá trình phát triển; đồng thời cũng vừa tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhưng với bản lĩnh chính trị, truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã một lòng đoàn kết, đồng thuận, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn. Điển hình là công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, thực hiện đảm bảo đúng quy trình, chất lượng nhân sự, khắc phục được tình trạng bị động, hụt hẫng, thiếu tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố, nhất là đến nay, việc chuẩn bị tốt, chặt chẽ các khâu cho Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao, đảm bảo các điều kiện chuyển giao cho nhiệm kỳ sau. Bên cạnh đó, để chuẩn bị hành trang, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài thành phố thời gian đến, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo rà soát các dự án công trình động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 để cân đối nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiệm kỳ 2015-2020 cũng là nhiệm kỳ có sự chuyển tiếp trong việc thực hiện 02 văn kiện quan trọng, mang tính lịch sử của Trung ương dành cho Đà Nẵng, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Đà Nẵng. Với việc Bộ Chính trị tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng với đó, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết hợp Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đây sẽ là những công cụ, hành trang quan trọng để thành phố Đà Nẵng bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 hứa hẹn nhiều kỳ vọng và thành công.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố, đó là sự “chung lưng đấu cật”, đồng lòng của người dân trong những thời điểm thành phố gặp khó khăn nhất. Người dân Đà Nẵng luôn luôn có khát vọng vươn lên, có niềm tự hào về quê hương Đà Nẵng anh hùng, luôn “kề vai, sát cánh”, đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các chủ trương vì sự phát triển chung của thành phố. Nhiệm kỳ 2020-2025 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thử thách; tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với việc phát huy những bài học kinh nghiệm, đặc biệt những thành tựu của nhiệm kỳ này sẽ là bước tạo đà quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của thành phố. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 tin tưởng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, khó khăn, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025, tôi tin tưởng rằng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ phát huy hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, đưa thành phố chúng ta vững vàng phát triển nhanh, mạnh hơn, vững chắc hơn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa XII).

-------------------------------------------------------------

([1]) Đến nay, đã hoàn thành các lối xuống biển khu vực quận Ngũ Hành Sơn; thu hồi 50m bãi cát mặt biển tạo không gian thông thoáng để người dân và du khách tiếp cận; đầu tư một số công viên, vườn dạo; mở rộng Công viên APEC; dừng một số dự án ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch chung thành phố; điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô,… nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp.

([2]) Vành đai công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; Vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

([3]) Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Hầm chui tại các nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn và nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

([4]) Khu Công nghệ cao - giai đoạn 1, 2; Khu Công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1, Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ - giai đoạn 1.

([5]) Trung tâm tim mạch Đà Nẵng, Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện phục hồi chức năng

([6]) Sân vận động Hòa Xuân, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, Chung cư thu nhập thấp tại Khu Tái định cư Phước Lý, Chung cư thu nhập thấp Tân Trà, Nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm

([7]) Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort, Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp phường Phước Mỹ.

([8]) Thành lập Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn; thực hiện hiệu quả việc xét nghiệm gộp, nâng năng lực xét nghiệm của thành phố lên trên 10.000 mẫu/ngày.

([9]) Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2,04%; 7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp được triển khai; gần 126.00 lao động được giải quyết việc làm trong giai đoạn 2015-2020.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_232888_da-nang-nhiem-ky-2015-2020-buoc-tao-da-quan-trong-cho-thoi-ky-phat-trien-moi.aspx