Đà Nẵng nhận chìm chất thải: Chất nạo vét là tài nguyên?

Chất nạo vét là một tài nguyên chứ không phải chất thải, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng nêu quan điểm.

Ngày 26/4, thông tin tại cuộc họp báo quý I của UBND TP.Đà Nẵng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết sẽ tham mưu cho Đà Nẵng trong việc nhận chìm chất thải nạo vét.

Các chuyên gia cho rằng khi đánh giá ĐTM phải xác định vùng biển nào là an toàn, ít thiệt hại đối với môi trường nhất. Ảnh: PLO

Các chuyên gia cho rằng khi đánh giá ĐTM phải xác định vùng biển nào là an toàn, ít thiệt hại đối với môi trường nhất. Ảnh: PLO

Theo ông Hùng, Đà Nẵng đang tiếp cận một số dự án nạo vét tại cảng Tiên Sa, âu thuyền Thọ Quang. Trước mắt, TP cho phép tiếp cận theo hướng nhận chìm vật chất dưới biển đồng thời xác định một số vị trí đủ điều kiện nhận chìm. Tuy nhiên, gần đây dư luận rất quan tâm việc nhận chìm vật chất sẽ ảnh hưởng tới tài nguyên sinh thái biển Đà Nẵng.

Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho rằng, vật chất nạo vét cũng chính là tài nguyên, không phải là chất thải.

"Nếu chúng ta cho rằng đi nạo vét là chất thải rồi mang đi nhận chìm và sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, thì việc này sẽ phải được làm rõ.

Tiếp theo, việc khẳng định việc nhận chìm có ảnh hưởng tới môi trường biển Đà Nẵng hay không, thì phải khẳng định Sở sẽ phối hợp thực hiện đánh giá theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó sẽ bao gồm tất cả các khâu đánh giá tác động về môi trường, đánh giá khu vực biển được cấp quyền nhận chìm cho tới việc đánh giá khả năng lan tỏa của chất nhận chìm trong môi trường biển tới đâu, việc này phải được đánh giá cụ thể, khoa học", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, các chuyên gia đánh giá có thể dùng chất này để bồi lấp các bãi để chống xói lở; chất nạo vét ngoài việc đưa đi nhận chìm thì có thể sử dụng vào việc khác có lợi hơn.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo TP.Đà Nẵng cần thận trọng tìm kiếm địa điểm trên biển để nhận chìm 200.000 m3 chất nạo vét, tránh đe dọa đến môi trường, hệ sinh thái biển...

Trả lời trên Pháp luật TP.HCM, PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng, vùng biển của Đà Nẵng không nằm trong nhóm các khu bảo tồn nên có thể nhận chìm được. Tuy nhiên, về góc độ môi trường, đổ xuống đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay, đặc biệt là các rạn san hô và vùng cỏ biển. Các vùng này rất quan trọng vì là nơi trú ẩn và sinh sản của các loài sinh vật biển. Chắc chắn sẽ xáo trộn môi trường, ảnh hưởng đến các loài động vật, thực vật biển.

Theo TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, để phân tích kỹ lưỡng khả năng ĐTM của việc nhận chìm thì phải nắm được phương thức nạo vét và kỹ thuật nhận chìm. Có thể nói, tất cả vật chất ở dưới biển khi nằm yên thì không sao nhưng khi đã động chạm vào đó, tung lên thì rất nhiều vấn đề xảy ra. Do đó, nếu nói chỉ lấy chỗ này bỏ chỗ kia thì không sao là không đúng.

Ông An cho hay nguyên tắc nhận chìm phải tránh xa những khu vực nhạy cảm như: Khu dân cư, ngư trường, khu bảo tồn và có những giá trị đặc biệt của biển. Ngoài ra, khi nhận chìm phải tránh những vùng biển có động lực mạnh.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-nang-nhan-chim-chat-thai-chat-nao-vet-la-tai-nguyen-3431274/