Đà Nẵng: Người dân phản đối nâng cấp bãi rác Khánh Sơn

Hơn 30 năm chịu đựng mùi hôi thối, ô nhiễm, người dân Khánh Sơn đề nghị chính quyền TP phải di dời bãi rác đi nơi khác, không chấp nhận xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác, phát điện, công suất dự kiến 650 tấn/ ngày đêm.

Sáng 6/7, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng Giám đốc các Sở ban ngành, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) đã có buổi đối thoại với người dân tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Người dân bày tỏ sự bức xúc khi thấy con cháu mình dần bị bệnh tật vì ô nhiễm

Người dân bày tỏ sự bức xúc khi thấy con cháu mình dần bị bệnh tật vì ô nhiễm

Kiên quyết di dời

Ngay từ sớm, hơn 200 người dân Khánh Sơn đã có mặt tại Nhà Sinh hoạt cộng đồng Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Đa số người dân đều bức xúc về vấn đề đảm bảo chất lượng của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và nhất quyết yêu cầu chính quyền TP phải di dời dự án này ra khỏi khu vực phường Hòa Khánh Nam.

Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Thành (ngụ tổ 62) cho biết người dân Khánh Sơn đã phải sống chung với rác hơn 30 năm nên không thể chịu cảnh khổ cực thêm được nữa.

“Thành phố Đà Nẵng có được môi trường xanh sạch như hôm nay cũng có một phần chịu đựng, cống hiến của người dân khu vực Khánh Sơn. Nay thành phố có đã có chủ trương nâng cấp bãi rác, thì cũng nên di dời dự án ra khu vực khác bởi lẽ người dân Khánh Sơn đã chịu đựng đủ rồi”- bà Thành bức xúc.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Thành được mọi người tại đây ủng hộ. Đa số người dân Khánh Sơn cho rằng, nếu công nghệ xử lý rác thải tiên tiến như đã thấy tại Nhà máy điện rác Cần Thơ thì không nhất thiết phải đặt ngay tại bãi rác Khánh Sơn mà có thể bố trí ở bất cứ đâu trong thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng cam kết chỉ xây dựng nhà máy khi có sự đồng ý từ người dân

Ông Huỳnh Chúc, ngụ tổ 67 nêu ra con số người bị ung thư chết khiến ai nghe cũng giật mình. Trong vòng 15 năm qua, số người chết do ung thư ở địa bàn thôn Khánh Sơn chiếm tỷ lệ 2,8% trên tổng số dân. Trong số hơn 70 người chết ở Khánh Sơn thì số người chết vì ung thư chiếm hơn 30%.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm, tổ 47, phường Hòa Khánh Nam bày tỏ nghi ngờ công nghệ đốt rác tại Nhà máy điện rác Cần Thơ liệu có thực sự hiệu quả bởi nhà máy đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Nhà máy mới khánh thành từ năm ngoái nhưng nhiều lần đã xảy ra trực trặc. Hơn nữa, thực tế tại các quốc gia trên thế giới ko có nhà máy xử lý rác được đặt trong khu dân cư.

Mong người dân mở lòng

Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, từ năm 2015, mỗi ngày thành phố Đà Nẵng thải ra hơn 1.000 tấn rác thải, tăng gấp đôi so với các năm trước. Đến thời điểm này, bãi rác Khánh Sơn đã nhận 3,2 triệu tấn rác và chỉ còn chứa được tối đa vài trăm ngày nữa. Khi đó, Đà Nẵng sẽ đối diện với khủng hoảng rác. Nếu di dời bãi rác Khánh Sơn như chủ trương trước đây sẽ không giải quyết tổng thể vấn đề. Do đó, các sở, ngành đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố và thống nhất chủ trương theo hướng "không di dời mà nâng cấp bãi rác hiện tại thành khu liên hiệp xử lý rác của Đà Nẵng".

Bãi rác Khánh Sơn cần phải được nâng cấp nhưng vấp phải sự phản đối của người dân địa phương

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận tình trạng ô nhiễm đang diễn ra quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn. Trước đây bãi rác Khánh Sơn áp dụng công nghệ chôn lấp nên không tránh khỏi mùi hôi, ô nhiễm môi trường, các phản ánh của bà con nhân dân là đúng. Do vậy, đến lúc phải thay đổi công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên thành phố muốn xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại để xử lý các vấn đề này để đảm bảo giữ được tài nguyên đất đai, môi trường cũng như chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, dự án không thể khởi công nếu không có sự đồng tình của người dân. Chính quyền rất mong người dân mở lòng với thành phố để chọn giải pháp tối ưu nhất

“Điều quan trọng nhất là phải có bài toán tổng thể, căn cơ về kinh tế cũng như phát triển toàn diện các điều kiện sống, vệ sinh môi trường, giáo dục và y tế của người dân. Do đó, người dân phải đồng ý mới có thể đặt lò đốt rác. Khi dân chưa hiểu, Đảng cùng với chính quyền địa phường phải ra sức vận động. Phải đảm bảo chính dân mới là những người thụ hưởng lợi ích lớn nhất mà nhà máy đem lại.”- ông Đặng Việt Dũng khẳng định.

Ông Đặng Việt Dũng cũng chia sẻ, với việc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn, nơi đây sẽ trở thành khu vực có không gian, có cảnh quan, trở thành một trong những nơi có điều kiện sống ổn định của TP.

Tuy nhiên, trong khi lãnh đạo thành phố yêu cầu người dân bình tĩnh và hợp tác thì người dân Khánh Sơn kiên quyết không chấp nhận, yêu cầu di dời bãi rác Khánh Sơn.

Lan Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/da-nang-nguoi-dan-phan-doi-nang-cap-bai-rac-khanh-son-1271523.html