Đà Nẵng ngập nước trên diện rộng: Do mưa lớn hay quy hoạch chưa đồng bộ?

Trong 2 ngày (9 và 10-12), TP Đà Nẵng bị ngập chìm trong nước sau những trận mưa lớn kéo dài. Sau những trận ngập khủng khiếp này, có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ngập lụt ở Đà Nẵng là do việc quy hoạch hệ thống thoát nước chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tình trạng ngập nước là do mưa quá lớn kèm theo hệ thống cửa thu nước bị bịt kín nên giảm khả năng thoát nước.

Mua lớn, nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng bị ngập nặng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chỉ cần mưa 100 - 200mm là ngập

Sau những trận ngập lịch sử này, người dân TP Đà Nẵng cho rằng, tình trạng ngập nước sau trận mưa lớn là do hệ thống hồ điều tiết bị thu hẹp trong quá trình phát triển đô thị nên sức chứa không đủ làm mất chức năng điều tiết nước mưa. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước đô thị hiện nay chủ yếu được thiết kế có khẩu độ nhỏ, chỉ làm chức năng thoát nước thải sinh hoạt chứ không có chức năng chứa và dẫn nước mưa với lưu lượng lớn.

Ngoài ra, người dân cho rằng, trước đây, nhiều khu vực thấp trũng, nhiều ruộng đồng, mặt sông rộng nên mỗi khi có mưa lớn, khu vực này như một chiếc ao chứa một lượng rất lớn nước mưa và nước lũ từ trên nguồn đổ về. Tuy nhiên, khi quy hoạch và xây dựng khu đô thị đã lấp hầu hết diện tích đất tại khu vực này cũng như thu hẹp mặt sông khiến nước thoát không kịp, gây ngập.

Đường phố thành sông

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Văn Chiến, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, cho biết, trong những đợt mưa vừa qua tại Đà Nẵng, lượng mưa có khi đo được 900mm. Với khả năng thoát nước của thành phố như hiện nay thì chỉ cần mưa 100 - 200mm kéo dài trong vòng 1 giờ thì có thể gây ngập tại nhiều nơi.

Trong khi đó, khi đi kiểm tra tại các điểm ngập nước, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, tình trạng ngập nước tại các khu dân cư ở TP Đà Nẵng một phần do mưa lớn, một phần là do các cửa thu nước bị người dân lấp kín để che mùi hôi nên khi có mưa lớn xảy ra là không thoát nước được. Bên cạnh đó, theo ông Thơ, một lượng rác khổng lồ gồm chăn màn, áo quần, bao ni lông, thùng xốp bị cuốn xuống cống thoát nước gây tắc cống dẫn đến ngập cục bộ.

Đường CMT8 bị ngập sâu trong nước

Cần lưu tâm trong thiết kế thoát nước đô thị

Sau sự việc vừa qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị cho rằng, Đà Nẵng rất cần lưu tâm trong quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị đồng bộ và tương xứng với tốc độ phát triển đô thị.

Trao đổi với PV Báo SGGP, KTS Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết, qua rà soát, Sở Xây dựng đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng diện rộng trên địa bàn TP Đà Nẵng vừa qua là do lượng mưa vượt xa tần suất thiết kế đối với hệ thống thoát nước đô thị.

Đường C đoạn đầu cầu Nguyễn Tri Phương ngập sâu trong nước

Theo tiêu chí thiết kế hệ thống thoát nước trong quy hoạch thoát nước đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt thì trạm bơm, hồ điều hòa, kênh dẫn nước chính đảm bảo trận mưa có chu kỳ lặp lại 10 năm; cống thoát nước chính đảm bảo trận mưa có chu kỳ lặp lại 5 năm; cống nhánh đảm bảo trận mưa có chu kỳ lặp lại 2 năm. Nguyên tắc thiết kế này cũng phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7957:2008 về Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài. Trong khi đó, qua đánh giá sơ bộ thì lượng mưa đợt này có chu kỳ lặp lại trên 20 năm nên hệ thống thoát nước hiện trạng không thể đáp ứng được. Nếu đầu tư hệ thống thoát nước đáp ứng với trận mưa ngày 9-12 thì chi phí sẽ rất lớn.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Chiến, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, khuyến cáo Đà Nẵng cũng như các địa phương khác lưu ý trong việc xây dựng hạ tầng đô thị, quy hoạch để ứng phó với sự bất thường của thời tiết như hiện nay. Đó là phải xem xét kỹ đến tình hình thời tiết, tính chất mưa, lượng mưa để có thông số thiết kế cho phù hợp, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước khi các trận mưa đặc biệt lớn xảy ra. Nếu thiết kế, quy hoạch đô thị mới thì phải có cao trình phù hợp, tránh những trường hợp cao trình chênh lệch cao - thấp, dẫn đến việc không đấu nối được hệ thống thoát nước. Đối với hệ thống thoát nước phải thường xuyên kiểm tra, nạo vét, khơi thông.

Đường Hàm Nghi cũng ngập trong biển nước

Ông Chiến cũng cho rằng, việc san lấp ao hồ, ruộng đồng để xây dựng đô thị sẽ làm giảm hoặc mất đi khả năng điều tiết nước. Vì thế khi quy hoạch đô thị phải tính toán tổng thể làm sao hệ thống cống rãnh thoát nước có khẩu độ phù hợp, đủ số lượng để tiêu thoát nước, giảm bớt ngập úng thay cho hạ tầng cũ là các ao, hồ đã bị san lấp. Nếu đảm bảo đúng thiết kế thì sẽ tiêu thoát hết lượng nước mưa đã được tính trước từ các trận mưa lịch sử.

Trả lời ý kiến liên quan đến việc đầu tư cống thoát nước dưới lòng đất vừa có chức năng thoát nước, vừa có chức năng chứa nước mà một số đô thị trên thế giới đã triển khai (như Tokyo, Osaka - Nhật Bản, Kuala Lumpur - Malaysia...), KTS Vũ Quang Hùng cho rằng chi phí đầu tư công trình này sẽ rất lớn. Vì thế, chưa phù hợp đối với đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay (hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có mô hình này).

NGUYÊN KHÔI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/da-nang-ngap-nuoc-tren-dien-rong-do-mua-lon-hay-quy-hoach-chua-dong-bo-564912.html