Đà Nẵng muốn 'chuộc' sân Chi Lăng: Khách quan nhất là tổ chức đấu giá

Đối với 55.061 m2 của khu phức hợp Chi Lăng đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, bắt buộc phải xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Luật Đấu giá tài sản

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xin được giữ lại toàn bộ khu phức hợp sân vận động (SVĐ) Chi Lăng thông qua thi hành án (THA) bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được THA. Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất (1.251 tỉ đồng) mà các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.

Không được sử dụng biện pháp hành chính

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, toàn bộ khu đất này đã được các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp cho Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và NH Xây dựng Việt Nam (VNCB). Do 2 NH này 100% vốn nhà nước nên Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo NH Nhà nước nghiên cứu, xem xét để Đà Nẵng thỏa thuận với các NH nhằm thực hiện thay nghĩa vụ THA của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại 14 lô đất thuộc SVĐ Chi Lăng đã được cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) “treo” nhiều năm qua Ảnh: BÍCH VÂN

Dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) “treo” nhiều năm qua Ảnh: BÍCH VÂN

Không thể phủ nhận việc chính quyền TP Đà Nẵng ngỏ ý muốn "giữ" lại dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng là một hướng đi tích cực. Tuy nhiên, việc "giữ" lại khu đất này phải tuân thủ các quy định pháp luật về THA dân sự và bán đấu giá tài sản THA, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Việc đề nghị Thủ tướng chỉ đạo NH Nhà nước xem xét cho Đà Nẵng thỏa thuận với Agribank và VNCB thực chất là giải quyết bằng biện pháp hành chính. Đề nghị này cần phải được cân nhắc kỹ, bởi THA đối với tài sản là quyền sử dụng đất có liên quan đến nhiều văn bản luật. Mặt khác, việc can thiệp vào quá trình THA bằng biện pháp hành chính sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các chủ thể có quyền lợi liên quan đến tài sản bị kê biên THA, nhất là người sử dụng đất hợp pháp.

Bởi lẽ, 14 lô đất đó đã được chính quyền Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và bên sử dụng đất đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai, bên sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất với nhà nước nên họ có toàn quyền thực hiện quyền của người sử dụng đất. Trên thực tế, bên sử dụng đất cũng đã thực hiện quyền của mình đối với quyền sử dụng đất hợp pháp là thế chấp cho NH để bảo đảm các khoản nợ vay. Theo Luật Đất đai hiện hành, không có quy định nào giao quyền cho cơ quan nhà nước thu hồi đất bằng cách trả lại tiền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã nộp vào ngân sách và đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp. Việc thu hồi đất của người sử dụng đất hợp pháp phải tuân thủ các quy định tại mục 1, chương VI, Luật Đất đai. Cơ quan nhà nước không được thực hiện việc thu hồi đất ngoài các quy định đã được nêu trong Luật Đất đai.

Phải theo Luật THA dân sự

Hơn nữa, toàn bộ quyền sử dụng đất của khu đất này đang bị cơ quan THA dân sự Đà Nẵng kê biên để thực hiện nghĩa vụ dân sự theo bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Do vậy, ngoài việc phải thực hiện nghĩa vụ THA cho 2 NH nêu trên, ông Phạm Công Danh và các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh còn có thể phải thi hành các khoản nợ khác.

Theo điều 1 và điều 2 Luật THA dân sự hiện hành, những quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật là đối tượng điều chỉnh của Luật THA dân sự nên phải tuân thủ trình tự, thủ tục của luật này khi xử lý tài sản bị kê biên. Vậy là tất cả vấn đề có liên quan về phần quyết định dân sự trong các bản án đã có hiệu lực pháp luật của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, muốn xử lý phải áp dụng Luật THA dân sự hiện hành. Những tài sản đã bị kê biên THA thì phải xem xét định giá lại theo giá thị trường tại thời điểm THA nếu một trong các đương sự có yêu cầu hoặc giá trị tài sản tại thời điểm THA có sự thay đổi tăng/giảm từ 20% trở lên so với giá trị tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (điều 59, Luật THA dân sự; điều 17, Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật THA dân sự).

Theo điểm đ, khoản 1, điều 4, Luật Đấu giá tài sản 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017), "tài sản THA theo quy định của pháp luật về THA dân sự" là tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và phải qua tổ chức bán đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản và điều 101, Luật THA dân sự.

Tính theo thị giá để bảo đảm quyền lợi các bên

Việc chính quyền TP Đà Nẵng muốn thu hồi 55.061 m2 đất và chuyển trả lại 1.251 tỉ đồng mà các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh nộp tiền sử dụng đất là không phù hợp với quy định của Luật THA dân sự, Luật Đất đai. Hơn nữa, khoản tiền 1.251 tỉ đồng mà các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp cho Đà Nẵng từ 5 năm trước, nay muốn hoàn trả số tiền bằng với số tiền đã nhận cách nay 5 năm là hết sức bất hợp lý. Phần trượt giá của đồng tiền và lợi nhuận phát sinh từ khoản tiền nêu trên (ít ra bằng lãi suất tiền gửi 5 năm qua) không được tính đến là khoản thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp phải gánh chịu dù họ không có lỗi. Hơn nữa, giá trị đất tại thời điểm thi hành án chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với thời điểm được giao đất hơn 5 năm về trước. Nếu thực hiện việc xử lý tài sản này thông qua bán đấu giá thì mới bảo đảm quyền lợi cho các bên có liên quan.

Vì vậy, cần xem xét và cân nhắc kỹ đề nghị của Đà Nẵng sao cho không "vượt mặt" các quy định chung của pháp luật.

KHÁNH TUỆ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/da-nang-muon-chuoc-khu-phuc-hop-chi-lang-khach-quan-nhat-la-to-chuc-dau-gia-20181203212042463.htm