Đà Nẵng mở lối xuống biển: Phải rút ra bài học

Việc phải hai lần mất tiền để sửa lỗi cho quy hoạch, là sai lầm của chính quyền nên phải sửa sai.

Hai lần mất tiền

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết thông tin, tại Thông báo số 69 ngày 15/11/2017, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu rà soát, phân kỳ thu hồi, đầu tư các lối xuống biển theo quy hoạch, nhất là lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương ra biển và lối xuống biển nằm giữa khách sạn Furama và Quần thể du lịch quốc tế Ariyana.

Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất về nguyên tắc phương án thu hồi theo lộ giới 15m bãi xe phía Đông và bãi cát phía biển để làm lối xuống biển, tức sẽ phải có giải phóng đền bù mặt bằng.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 17/5, KTS Hoàng Sừ - Nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho biết: "Quyết định của thành phố Đà Nẵng mở lối xuống biển cho dân hiện vẫn chỉ là một quyết định nửa vời.

Bởi vì, nếu chỉ mở lối xuống biển mà không có bãi tắm, không có dịch vụ dành cho việc vui chơi, tắm biển của dân thì việc này chỉ mang tính chữa cháy, xoa dịu dân, còn không đáp ứng được nhu cầu thực sự.

Đúng ra cứ 500m bờ biển, theo quy hoạch phải có những cụm dịch vụ tắm biển cho người dân, không chỉ là lối đi mà còn là quần thể, tổ hợp bao gồm sân đậu xe, bãi tắm nước ngọt, các khu vui chơi thể thao bãi biển, nhà hàng phục vụ cho dân ăn uống, giải khát.

Đà Nẵng mở thêm lối xuống biển

Còn ở đây nếu chỉ mở lối xuống biển hiệu quả cực thấp không giải quyết những nhu cầu bức bối của dân".

Bên cạnh đó, theo ông Sừ, thay vì phải bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như thương thuyết với các chủ dự án resort đã xây dựng thì thành phố nên thu hồi các dự án cần phải thu hồi.

Cụ thể là các dự án đã giao đất cả chục năm không làm thì cũng nên thu hồi, như vừa rồi hai dự án "ma" giao cho chủ đầu tư không có thật thì thu hồi rồi dành đất để làm bãi tắm công cộng.

Thế nhưng, với các chủ đầu tư resort nếu thành phố đã có quyết định chắc chắn họ phải làm theo, vì khi đã ra quy hoạch, chắc chắn thành phố đã đủ điều kiện để thu hồi, ở đây không có sự thương thảo mà chỉ có việc bồi thường, tức vẫn có thiệt hại về tài chính.

"Hiện nay, các chủ đầu tư resort đang làm sai với quy định trong Luật quy hoạch, Luật xây dựng, nhất là quy định về không gian ven biển, thành phố có cho đầu tư trên diện tích đất giả sử 5ha, thì họ chỉ được phát triển trên ranh giới đó, còn bãi biển khu vực đó vẫn là của dân.

Chính vì thế, tại các khu vực resort dân vẫn được đi lại tự do, ở đây lại giao cho doanh nghiệp quản lý không cho dân đi lại là sai Luật", ông Sừ.

Việc phải hai lần mất tiền để sửa lỗi cho quy hoạch, là sai lầm của chính quyền nên phải sửa sai, quy hoạch ven biển của Đà Nẵng hàng chục km mà không có bãi tắm nào cho dân là lỗi chính quyền.

Ở đây có 2 trường hợp có thể xảy ra: Một là, những khu đất đã lỡ giao cho doanh nghiệp thì phải thỏa thuận lại với doanh nghiệp để đền bù lấy lại đất.

Hai là, những mảnh đất đã giao cho doanh nghiệp nhưng không triển khai xây dựng, trong khi giấy phép đầu tư đã nêu rõ phải thi công ngày nào, tháng nào, phải hoàn thành lúc nào, thì có thể thu hồi.

"Qua những sai lầm vừa qua, thành phố nên có những bài học kinh nghiệm, trong công tác làm quy hoạch phải có định hướng rõ ngay từ đầu. Tất cả phải vì mục tiêu phục vụ người dân, chứ không ưu tiên phát triển mà phá vỡ sự bền vững. Đây là bài học lớn của Đà Nẵng phải nhìn lại và sửa sai", vị KTS trên khẳng định.

Mặt biển là của toàn dân

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, KTS Huỳnh Tòa cho rằng, toàn bộ quy hoạch Đà Nẵng đã được phê duyệt, nhưng khi đi vào triển khai đến công tác xây dựng thì xuất hiện nhiều vấn đề, phải thay đổi.

Các doanh nghiệp tất nhiên họ không có lỗi vì chỉ đóng vai trò trong phát triển nhưng không tham gia từ đầu, đơn thuần chỉ là người mua và bán sử dụng đất, nên việc yêu cầu họ phải trả lại đất tất nhiên phải có đền bù, thương thảo.

Lỗi sai khi làm quy hoạch của thành phố phải trả giá bằng việc mất tiền đền bù, dĩ nhiên tiền có từ đâu cũng là tiền dân.

"Điều đáng nói, biển là của chung mà dân không được hưởng bao nhiêu, điểm quan trọng là giao cho doanh nghiệp xong họ sẽ biến thành của tư, cấm dân sử dụng đây là việc sai trái mà đáng lẽ lãnh đạo quản lý phải giám sát sát sao.

Như việc không cho dân vào tắm bãi của resort đây chính là việc không rõ ràng ngay từ ban đầu, cố tình nhập nhèm giữa việc giao đất và giao mặt biển. Cho nên, nếu có làm lối xuống biển khu resort cũng phải kèm theo rõ quy định người dân có thể tắm thoải mái bất cứ khu vực nào, vì mặt biển là của toàn dân", ông Tòa nhận định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-nang-mo-loi-xuong-bien-phai-rut-ra-bai-hoc-3358345/