Đà Nẵng lần đầu tiên tăng trưởng âm trong hơn 20 năm qua

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm 2019.

Cầu sông Hàn (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cầu sông Hàn (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tuy đã cơ bản khống chế thành công, nhưng dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phố Đà Nẵng thời gian qua.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm 2019, đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997.

Các số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng còn cho thấy, quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng (thu hẹp hơn 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019); trong đó, khu vực du lịch dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758,1 tỷ đồng.

Quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 xếp thứ 16/63 tỉnh thành, giảm 1 bậc so với vị trí thứ 15 từ năm 2016-2019. Đà Nẵng chiếm 1,36% trên tổng GDP cả nước, giảm 0,07 điểm so với giai đoạn 2017-2019.

Kinh tế thành phố Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức lớn, bởi những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng như du lịch, dịch vụ đã chịu tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên cả nước.

Tăng trưởng của một số địa phương được cho là đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào nền kinh tế Việt Nam cũng đang chịu áp lực rất lớn, nhiều địa phương có mức tăng trưởng thấp kỷ lục, một số địa phương khác cũng bị thu hẹp quy mô và mức tăng trưởng âm.

Xét trên phạm vi cả nước, Đà Nẵng thuộc nhóm 12 tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm vào 6 tháng đầu năm 2020 và trong nhóm 5 tỉnh thành có mức tăng trưởng thấp nhất nước.

Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những khó khăn, thách thức chung, trong 6 tháng qua Đà Nẵng cũng đạt được một số kết quả tích cực như giải ngân vốn đầu tư công khả quan; vốn đầu tư thực hiện khu vực FDI tăng cao; các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch được triển khai kịp thời và đồng bộ; an sinh, an toàn xã hội được quan tâm thực hiện.

Hiện Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã giao Cục Thống kê phối hợp cùng các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Vũ cho biết, dựa trên các số liệu thu thập và tình hình thực tế ở trong nước và quốc tế, Cục Thống kê thành phố đã nghiên cứu xây dựng 3 kịch bản; trong đó có kịch bản tệ nhất là kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng âm.

Một kịch bản khả quan nhất là 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3% so với bình diện chung của cả nước. Tuy nhiên, để đạt tốc độ tăng trưởng dương này cần sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam phục hồi sản xuất-kinh doanh vẫn còn phụ thuộc vào tình hình chống dịch ở các nước khác có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.

Hiện tại Cục Thống kê thành phố đang rất quyết liệt trong việc xây dựng kịch bản và tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới./.

Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/da-nang-lan-dau-tien-tang-truong-am-trong-hon-20-nam-qua/649087.vnp