Đà Nẵng: Làm gì để ngăn xây dựng khách sạn ồ ạt?

Năm 2017, tổng số cơ sở lưu trú du lịch của thành phố Đà Nẵng là 693 cơ sở với hơn 28.700 buồng phòng.

Tốc độ phát triển phi mã của ngành khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) tại Đà Nẵng vài năm gần đây mang lại nhiều triển vọng cho thành phố nhưng đồng thời sự phát triển tự phát của hệ thống này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Đặc biệt, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh, làm nảy sinh những cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú du lịch như hạ giá phòng, chia sẻ lượng khách và làm lãng phí vốn đầu tư của xã hội. Cùng tình trạng do vốn ít, đất nhỏ cùng với sự thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về kinh doanh dịch vụ này đã dẫn đến sự xuống cấp về cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ khách du lịch.

Đây là những thông tin tại buổi làm việc vừa mới đây của Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng với Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội thành phố và các sở ngành, đơn vị liên quan.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội thành phố cho thấy, hiện các CSLTDL trên địa bàn thành phố phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các quận Sơn Trà, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. Số lượng CSLTDL tại quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hòa Vang chỉ chiếm 5% tổng số CSLTDL trên địa bàn.

Từ năm 2012 - 2017, doanh thu của các CSLTDL đạt bình quân 27%/ năm, chủ yếu tăng mạnh đối với phân khúc quy mô từ 80 phòng trở lên, các phân khúc CSLTDL có quy mô dưới 80 phòng có xu hướng ít biến động, thậm chí còn giảm.

Đại diện các nhà đầu tư cũng cho biết, số ngày lưu trú bình quân của du khách đến Đà Nẵng vẫn chưa có nhiều cải thiện, mức lưu trú bình quân của một du khách cũng chỉ đạt khoảng 2 ngày, mức chi tiêu của khách tại thành phố vẫn còn thấp.

Khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng được xây dựng ồ ạt những năm gần đây

Vào mùa thấp điểm, công suất buồng phòng đạt mức rất thấp. Cùng với đó, sự bùng nổ kinh doanh loại hình condotel (căn hộ khách sạn) đã góp phần đa dạng hóa loại hình lưu trú phục vụ khách du lịch, song cũng dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, ảnh hưởng đến diện mạo của thành phố. Sự xuất hiện nhiều condotel cao cấp như Soleil Đà Nẵng, Tổ hợp giải trí Cocobay, Ariyana Beach Resort and Suites Danang… có khả năng gây dư thừa khiến phân khúc thị trường này bị bão hòa.

Đặc biệt, việc hình thành các khu, tuyến có mật độ lớn các CSLTDL ở Khu Phạm Văn Đồng (đoạn giữa Trần Hưng Đạo, Lê Minh Trung), Khu Hải Châu (đoạn giữa Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn), Khu An Thượng (từ Nguyễn Văn Thoại, Phan Tứ đến Võ Nguyên Giáp) đang ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông, diện tích đậu đỗ xe, hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải.

Thống kê diện tích đỗ xe hiện tại và ước lượng diện tích đỗ xe cần có dựa vào Quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì đã có sự thiếu hụt; tại các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…có diện tích đậu xe khá hạn chế. Theo đại diện các sở ngành, thành phố cần có phương án cụ thể về việc hình thành các bãi đỗ xe, phương án hình thành các tuyến xe trung chuyển và thực hiện nghiêm chế tài đối với các CSLTDL trong việc tuân thủ các quy định về bãi đậu đỗ xe trong khi đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động kinh doanh.

Theo Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, địa phương này đang thực hiện "Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Đề án nhằm đưa ra các định hướng chung, giải pháp phát triển các loại hình CSLTDL phù hợp với thực tiễn; qua đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để hạn chế việc xây dựng ồ ạt CSLTDL trong điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp điện nước, thoát nước và xử lý nước thải của thành phố.

Tại buổi làm việc liên quan việc xây dựng Đề án này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát khảo sát số liệu, dữ liệu chung, số liệu dự báo tình hình lượng khách du lịch trong thời gian tới… nhằm đưa ra những thông tin tư vấn, những khuyến nghị sát thực nhất về đầu tư xây dựng CSLTDL nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của dịch vụ lưu trú du lịch và hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống CSLTDL, nâng cao công suất buồng phòng, kéo dài thời gian lưu trú của khách; ban hành các tiêu chí chung trong cấp phép xây dựng CSLTDL bao gồm các điều kiện về diện tích đất, khoảng lùi, vị trí đỗ xe, quy mô diện tích, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Đôn Hoàng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/da-nang-lam-gi-de-ngan-xay-dung-khach-san-o-at-141795.html