Đà Nẵng làm gì để kéo giảm tội phạm hình sự?

Gần đây tội phạm hình sự tại Đà Nẵng đang có những diễn biến phức tạp. Dưới đây là chia sẻ của Thượng tá Trần Nam Hải, Trưởng phòng CSHS về các giải pháp đấu tranh, kéo giảm loại tội phạm này trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Gần đây tội phạm hình sự tại Đà Nẵng đang có những diễn biến phức tạp. Dưới đây là chia sẻ của Thượng tá Trần Nam Hải, Trưởng phòng CSHS về các giải pháp đấu tranh, kéo giảm loại tội phạm này trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Thượng tá Trần Nam Hải.

Thượng tá Trần Nam Hải.

P.V: Xin thượng tá cho biết vì sao gần đây tội phạm từ tỉnh ngoài tới Đà Nẵng gây án lại diễn biến phức tạp như vậy?

Thượng tá Trần Nam Hải: Đặc thù của Đà Nẵng là thành phố du lịch, trung điểm của miền Trung, lại nằm trong trục kinh tế Đông - Tây, có đầy đủ điều kiện giao thông thuận lợi từ sân bay, cảng biển, nhà ga... Đồng hành với đó, theo nguyên tắc “thóc đâu, bồ câu đó”, tội phạm các nơi sẽ đổ về. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, số tội phạm ở các tỉnh phía Bắc vào gây ra 24 vụ trộm xe máy, 2 nhóm đối tượng từ phía Nam ra gây án đã bị bắt, các đối tượng từ Quảng Trị vào lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rồi tội phạm trên Đại Lộc xuống, trong Điện Bàn ra. Tình hình tội phạm hiện nay nói chung có sự liên kết liên tỉnh chứ không còn liên kết giữa các quận huyện. Vì thế, môi trường hoạt động không còn truyền thống mà chuyển sang phi truyền thống, trên không gian mạng. Đối tượng ngồi ngoài Hà Nội hoàn toàn có thể gây án, rút tiền từ Đà Nẵng. Hoặc từ TP.HCM, đối tượng có thể tổ chức đường dây hoạt động phạm tội ở Đà Nẵng. Còn tại địa bàn Đà Nẵng, tôi khẳng định không có băng tội phạm mà chỉ có nhóm tội phạm. Đặc biệt không có điểm đen, phức tạp về hình sự.

P.V: Như Thượng tá nói, môi trường hoạt động tội phạm phi truyền thống, các đối tượng hoạt động lưu động, liên tỉnh, vậy lực lượng CSHS có giải pháp gì ngăn chặn?

Thượng tá Trần Nam Hải: Hiện nay Phòng CSHS đang phối hợp với các địa phương, mà chủ yếu là Cục CSHS, Công an tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế để xâu chuỗi, quản lý số đối tượng hoạt động lưu động. Chẳng hạn vừa qua, 4 đối tượng ở TP.HCM thuê xe trộm từ Đồng Nai đến Nghệ An, khi đến Đà Nẵng thì bị bắt. Vì chúng hoạt động lưu động nên công tác quản lý đối tượng gặp khó khăn. Từ đây, để đấu tranh hiệu quả với các đối tượng hoạt động lưu động buộc công tác xâu chuỗi, trao đổi, kết nối thông tin giữa lực lượng hình sự Đà Nẵng với các tỉnh, đặc biệt là Cục cần phải nâng cao hơn nữa.

P.V: Gần đây Đà Nẵng cũng nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau trên đường phố, tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự. Vậy lực lượng CSHS có giải pháp gì đấu tranh, ngăn chặn?

Thượng tá Trần Nam Hải: Với tình trạng này thì công tác phòng ngừa, xóa bỏ điều kiện hình thành, phát sinh tội phạm; giải quyết triệt để những mâu thuẫn, bức xúc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm... đóng vai trò then chốt. Về phía Phòng CSHS phải là cơ quan kết nối giữa Tổ phòng chống tội phạm Công an xã phường, quận huyện và lực lượng CATP, như vậy mới làm tốt được công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự.

P.V: Hiện nay tội phạm hoạt động trong môi trường phi truyền thống, trên không gian mạng, đang đặt ra những thách thức và yêu cầu gì với lực lượng CSHS, thưa Thượng tá?

Thượng tá Trần Nam Hải: Yêu cầu là phải trang bị nghiệp vụ chuyên sâu, vượt lên trên tội phạm một bậc mới có thể đấu tranh, ngăn chặn, chứ nếu chỉ ngang bằng thì đã thua. Hiện nay đối tượng đã nâng tầm lên mà CBCS ì ạch thì làm sao đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn đối tượng là người nước ngoài, buộc CBCS phải có ngoại ngữ tốt mới tiếp cận được. Đối tượng sử dụng công nghệ để gây án trên không gian mạng, buộc CBCS phải tự hoàn thiện mình, phải có đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công nghệ. Tôi lấy ví dụ như chuyên án đấu tranh với đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng Internet do đối tượng Bùi Minh Trí ở Thanh Khê cầm đầu với số tiền lên tới 10 ngàn tỷ đồng. Môi trường, phương thức… hoàn toàn phi truyền thống, các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội, điều này đòi hỏi lực lượng CSHS phải có trình độ chuyên sâu, phải đấu trí để phá án chứ không thể áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ truyền thống. Tương tự như thế là nhiều vụ sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã bị lực lượng CSHS triệt phá. Tuy nhiên, nói gì đi nữa, tôi vẫn cho rằng, điều cốt lõi phải từ công tác nghiệp vụ cơ bản. Từ công tác nghiệp vụ cơ bản mới nhận diện, phân loại, đánh giá đúng đối tượng cả về con người, hành vi, phương thức thủ đoạn phạm tội. Từ đây mới có giải pháp đấu tranh hiệu quả.

P.V: Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm hình sự trên địa bàn, thượng tá có những đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả của lực lượng CSHS trên trận tuyến cam go này?

Thượng tá Trần Nam Hải: Theo tôi cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, lực lượng trong Công an. Bộ Thông tin và Truyền thông cần sàng lọc, ngăn chặn tất cả các trang web, các app trực tuyến có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng như cho vay nặng lãi hay các tên miền liên quan đến trang mạng cá độ bóng đá hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn để xử lý nạn sim rác; Ngân hàng nhà nước có quy định quản lý chặt chẽ việc mở và sử dụng các tài khoản cá nhân, không để tội phạm lợi dụng mở tài khoản ảo nhằm hoạt động phạm tội.

P.V: Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này.

THÀNH NAM (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_241582_da-nang-lam-gi-de-keo-giam-toi-pham-hinh-su-.aspx