Đà Nẵng là thành phố thông minh cỡ nào?

Đà Nẵng đã có những ứng dụng nhất định của một thành phố (TP) thông minh. Tuy vậy, để trở thành một TP thông minh cấp độ cao hơn nhằm bắt kịp xu thế hiện đại, Đà Nẵng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong số đó, việc xây dựng các tiện ích thông minh, cơ sở dữ liệu chính xác và nguồn nhân lực thông minh là 3 yếu tố cơ bản.

Đà Nẵng đã có những ứng dụng nhất định của một thành phố (TP) thông minh. Tuy vậy, để trở thành một TP thông minh cấp độ cao hơn nhằm bắt kịp xu thế hiện đại, Đà Nẵng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong số đó, việc xây dựng các tiện ích thông minh, cơ sở dữ liệu chính xác và nguồn nhân lực thông minh là 3 yếu tố cơ bản.

Đại diện WeGO báo cáo kết quả nghiên cứu dữ liệu trong giao thông thông minh.

Đại diện WeGO báo cáo kết quả nghiên cứu dữ liệu trong giao thông thông minh.

7.000 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh

Làm việc với Đoàn công tác WeGO chiều 20-11, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, sáng cùng ngày, Đà Nẵng đã thông qua Đề án TP thông minh với lộ trình cụ thể tới năm 2030, tổng kinh phí khoảng 7 ngàn tỷ đồng. Theo ông Thanh, những nghiên cứu của WeGO tại Đà Nẵng trong 3 tháng qua được tiến hành nghiêm túc, lựa chọn được các dữ liệu quan trọng về giao thông thông minh, một phần trong xây dựng TP thông minh. Ông Thanh mong muốn những kết quả này của đơn vị tư vấn sẽ được sử dụng trong xây dựng Đà Nẵng TP thông minh. Được biết, sau khi WeGO thông báo triển khai chương trình nghiên cứu khả thi TP thông minh phát triển bền vững đến các thành viên, Đà Nẵng đã gửi đề xuất dự án với chủ đề Phân tích dữ liệu trong giao thông thông minh và được Hội đồng WeGo lựa chọn. Qua 3 tháng nghiên cứu, khảo sát, Đoàn công tác WeGO đã hoàn thành báo cáo kết quả tư vấn khả thi. Theo đó, kết quả, đề xuất của WeGO sẽ được xem xét sử dụng để xây dựng TP thông minh.

H.Q

Dùng chatbot vào dịch vụ công

Đà Nẵng và Singapore là 2 TP đầu tiên của Đông Nam Á đưa ứng dụng công nghệ chatbot (là một phần của phần mềm để chat) vào du lịch. Bà Võ Thị Ngân Hà, Trung tâm Xúc tiến Du lich Đà Nẵng cho biết, nhân vật đại diện của Chatbot Danang Fanstaticity với những biểu cảm hết sức dễ thương, tạo sự thân thiện, hiếu khách với du khách ngay khi họ bắt đầu tương tác. Xuyên suốt cuộc “hành trình” khám phá du lịch Đà Nẵng, nhân vật đại diện này sẽ giúp du khách tìm thấy được những địa điểm tham quan, ẩm thực, lưu trú... một cách đơn giản, nhanh chóng, bất kể trong thời gian nào. Chatbot Danang Fanstaticity là sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng facebook và tương thích được với các điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS... có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi. Theo bà Hà, trong 10 tháng đầu năm 2018, chatbot này đã hỗ trợ hơn 285 ngàn lượt với tổng số khách sử dụng hơn 21 ngàn người, đến từ 16 quốc gia. Trong đó, 52% tỷ lệ người chia sẻ nội dung từ chatbot. Rõ ràng, những con số thống kê đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng rất lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là một ứng dụng trong xây dựng TP Đà Nẵng thông minh. Ngoài ra, TP đã triển khai mạng lưới camera giám sát giao thông và an ninh trật tự rộng khắp, giúp quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn.

Hiện nay, TP đang nghiên cứu sử dụng chatbot để hỗ trợ và “nâng cấp” mức độ phục vụ công dân của Trung tâm thông tin dịch vụ Công Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Quốc, PGĐ Trung tâm cho biết, tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng mỗi ngày xử lý hơn 500 ý kiến, góp ý của người dân về các quy định, chính sách, thông tin kinh tế- xã hội, thủ tục hành chính... Số lượng thông tin yêu cầu giải đáp ngày càng nhiều lên trong khi số lượng nhân viên giải đáp trực tiếp hạn chế, có xu hướng giảm. Để giải quyết thực trạng này, ông Quốc cho rằng phải ứng dụng chatbot, tự động trả lời công dân 24/24 giờ. Vấn đề còn lại, làm sao có chatbot đủ thông minh để giải đáp các thắc mắc, khó khăn, thậm chí hiểu cả những bức xúc của người dân về vấn đề họ đang trình bày. “Tôi nghĩ rằng phải qua 2 giai đoạn, đầu tiên là ứng dụng chatbot để trả lời các câu hỏi cơ bản, có sẵn trong kho dữ liệu, sau đó mới tới giai đoạn phân tích, để nắm được thái độ của người đang hỏi để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp”- ông Quốc chia sẻ.

Việc ứng dụng chatbot để giải đáp thông tin về dịch vụ công sẽ là bước tiến mới trong xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng. Bởi lẽ, việc trả lời này do máy móc tự động, bất kể thời gian nào, tốc độ cũng nhanh, xử lý được nhiều, qua đó giúp tập trung nguồn nhân lực của Tổng đài vào các hoạt động tư vấn chuyên sâu khác. Một lợi ích khác của chatbot, theo ông Quốc là giúp chính quyền còn có thể phát đi các thông điệp cần gửi đến người dân, như thông tin về các chủ trương, chính sách mới, các sự kiện lớn của TP, thông tin trong trường hợp khẩn cấp như bão lũ, thiên tai... Thông qua chatbot cũng là một kênh thu thập thông tin về nhu cầu tra cứu, giải đáp của người dân. Từ những thông tin này có thể phân tích, đánh giá để hiểu hơn các kỳ vọng của người dân, dự đoán được xu hướng trong thời gian đến, qua đó góp phần giúp lãnh đạo TP có thêm thông tin trong chỉ đạo, điều hành và ra quyết định.

Sẽ ứng dụng chatbot vào Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng để dành nhân lực vào giải đáp chuyên sâu.

Lộ trình Thành phố thông minh

Ông Nguyễn Duy Nghiêm, chuyên gia tới từ FPT cho rằng, TP thông minh trước hết phải từ những tiện ích thông minh. Ở Thượng Hải họ chỉ chọn 1 điểm nhấn đó là bãi đỗ xe thông minh. Đà Nẵng hiện có nhiều lợi thế xây dựng TP thông minh, trong đó rõ nét nhất cần tạo điểm nhấn từ “con đường thông minh” và “dịch vụ công thông minh”. Ông Nghiêm dẫn dụ, nếu tuyến đường du lịch Võ Nguyên Giáp là tuyến đường thông minh thì nhất cử nhất động trên tuyến đường đó sẽ trong tầm kiểm soát. “Tôi vừa chứng kiến vụ va quệt giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, một du khách bị gãy xương, còn người gây tai nạn đã bỏ chạy, nếu có hệ thống camera thông minh, việc xử lý sẽ rất dễ dàng”- ông Nghiêm nói.

Ông Lê Sơn Phong, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, TP đã xây dựng thành công Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, trong đó bao gồm một nền tảng ứng dụng trực tuyến cung cấp nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, từ các dịch vụ công trực tuyến đến các ứng dụng cho phép người dân góp ý, phản ánh các vấn đề xã hội còn tồn tại. TP đã xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào chính quyền điện tử và cụ thể là vào TP thông minh. Hiện Đà Nẵng đã hoàn tất việc xây dựng Khung kiến trúc TP thông minh. Ông Phong cho biết, trong quá trình xây dựng TP thông minh, có 3 yếu tố then chốt là cơ sở dữ liệu, nhân lực và tài chính. Trong đó, cơ sở dữ liệu nếu không chính xác, thuật toán có thông minh đến mấy cũng khó cho kết quả chính xác. Đà Nẵng đã có Trung tâm dữ liệu, nó vẫn đang được mở rộng và đây chính là trái tim của TP thông minh. “Sắp tới Đà Nẵng sẽ công bố Đề án xây dựng TP thông minh, theo đó hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được quy định rõ hơn về chế độ lưu trữ, cập nhật, khai thác. Trong năm 2019-2020, cơ sở dữ liệu sẽ là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu”- ông Phong chia sẻ.

Với những giải pháp và lộ trình cụ thể, Đà Nẵng đang dần tiến tới TP thông minh cấp độ cao hơn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, du khách.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_198476_da-nang-la-thanh-pho-thong-minh-co-nao-.aspx