Nhà giáo và các bệnh nghề nghiệp

Đặc thù của các nhà giáo là nói nhiều, thở nhiều, hít nhiều, đứng nhiều, đi nhiều, cũng khi ngồi nhiều, nhìn nhiều... Tất nhiên, cái gì nhiều quá cũng gây ra bệnh tật. Dưới đây là những bệnh nghề nghiệp của nhà giáo.

Đặc thù của các nhà giáo là nói nhiều, thở nhiều, hít nhiều, đứng nhiều, đi nhiều, cũng khi ngồi nhiều, nhìn nhiều... Tất nhiên, cái gì nhiều quá cũng gây ra bệnh tật. Dưới đây là những bệnh nghề nghiệp của nhà giáo.

Ngồi lâu trước máy tính gây ra nhiều chứng bệnh (ảnh minh họa). Ảnh: ST

Ngồi lâu trước máy tính gây ra nhiều chứng bệnh (ảnh minh họa). Ảnh: ST

Bệnh do ngồi lâu trước máy vi tính

Mỏi mắt và khô mắt: Việc ngồi lâu trước màn hình vi tính nhiều giờ liền sẽ gây mỏi mắt. Sức nóng của màn hình vi tính tác động trực tiếp trong một thời gian kéo dài có thể gây khô mắt. Bên cạnh đó, nếu môi trường làm việc thiếu ánh sáng cũng làm mắt chóng mỏi và sự điều tiết mắt luôn trong trạng thái căng thẳng, dẫn đến tật cận thị học đường.

Tận dụng giờ giải lao ngắm trời, cải thiện nguồn sáng sẽ giúp cho đôi mắt thư giãn chống lại sự mệt mỏi và không bị khô. Chế độ ăn các loại trái cây và rau củ giàu vitamine A như đu đủ, cam, xoài, cà rốt, rau sam… cũng rất tốt cho sức khỏe của mắt. Khi làm việc với máy tính nên có khoảng thời gian nghỉ ngắn thích hợp để cho mắt nghỉ ngơi điều tiết tốt. Dùng "nước mắt nhân tạo" dành cho người dùng vi tính, có thể mua dễ dàng ở các quầy bán thuốc Tây nhỏ làm mát mắt, chống khô mắt và tạo cảm giác dễ chịu cho mắt.

Mỏi cổ và đau lưng: Mỏi cổ và đau lưng là do ngồi "lì" một chỗ hoặc ngồi không đúng tư thế. Nhiều trường hợp là do máy vi tính đặt ở tầm thấp, phải cúi nhìn hoặc người lưng dài cần phải cúi gập người để quan sát. Phòng bệnh bằng cách ngồi đúng tư thế, đặt màn hình máy tính vừa đúng tầm nhìn. Cần có thời gian giải lao và vận động thích hợp, chống mỏi cổ, đau lưng và chống gù vẹo cột sống.

Đau vùng cổ tay: Đau vùng cổ tay và các ngón tay còn gọi là hội chứng ống cổ tay. Bệnh xảy ra do sự tác động căng thẳng kéo dài, bàn phím kê cao khiến cho cổ tay với lên dễ mỏi hoặc ngón tay gõ phím quá mạnh. Cần có giải lao trong mỗi giờ làm việc và xoa bóp cánh, cẳng bàn tay và cổ tay để giúp máu lưu thông tốt. Việc rèn luyện thể dục thể thao cũng giúp cho có một đôi tay khỏe mạnh hoạt động dẻo dai hơn.

Bệnh trĩ: Ngồi nhiều và ngồi lâu gây ứ đọng máu vùng tiểu khung trong đó có đoạn dưới của ruột là trực tràng và hậu môn. Các tĩnh mạch hậu môn và trực tràng bị giãn thành búi nằm sâu bên trong (trĩ nội) hay thập thò ra bên ngoài hoặc lòi hẳn mỗi khi đại tiện (trĩ ngoại). Khi đại tiện, nhất là lúc đại tiện phân cứng (táo bón) búi tĩnh mạch giãn (búi trĩ) bị cọ sát hoặc bị chọc rách gây đau đớn và máu tươi chảy ra bên ngoài. Các trường hợp nhẹ, người mắc bệnh trĩ để ý thấy máu dính giấy chùi hoặc vài giọt máu tươi rơi trên bồn cầu, trên nền nhà và dính đồ lót.

Phòng bệnh trĩ bằng cách không ngồi nhiều, không ngồi lâu. Việc thay đổi tư thế đứng ngồi, đi lại trong thời gian giải lao giúp máu lưu thông tốt, không ứ trệ gây giãn tĩnh mạch vùng trực tràng và hậu môn tạo thành tạo thành búi trĩ.

Bệnh do nhìn nhiều

Khi học trò ngồi học trong điều kiện thiếu ánh sáng, thầy cũng viết bảng trong điều kiện không mấy thuận lợi đó. Trò cận, thầy cũng đeo kính! Ngoài ra, thầy cô giáo thức đêm chấm bài, soạn giáo án, đọc sách nếu bắt mắt hoạt động liên tục mà không có thời gian giải lao nghỉ ngơi sẽ làm cho mắt mệt mỏi, điều tiết kém. Nếu tình trạng đó kéo dài cũng có thể làm cho mắt bị cận thị. Khi cận thị xảy ra, biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng và rẻ tiền nhất là dùng kính đeo mắt. Bổ sung vitamine A cho mắt bằng cách ăn uống các loại rau trái có màu như đu đủ, xoài, rau sam, gấc... Việc bổ sung vitamine A bằng thuốc uống cho mắt cần có sự tham vấn bác sĩ, vì việc dùng quá liều vitamine A có thể gây ra hiện tượng ngộ độc cho cơ thể.

Mấy lời khuyên về dinh dưỡng và vận động dành cho nhà giáo

Nhiều nhà giáo thức khuya chấm bài, soạn giáo án và đọc sách có thói quen hút thuốc lá. Thói quen này tác động không tốt đến sức khỏe. Khói bụi, nicotine và các chất độc hại khác trong thuốc lá có thể làm ăn kém ngon miệng, gây ho, khàn tiếng, viêm họng, viêm thanh khí quản, viêm phế quản… Tốt nhất, nên hạn chế số lượt hút trong ngày. Nếu bỏ hẳn được thì càng tốt. Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để có đủ lượng calo cho các hoạt động trong ngày. Việc ăn nhiều trái cây và rau xanh giúp đưa vào cơ thể nhiều vitamine và chất khoáng. Đây là các thành phần cần thiết cần cho sự chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể.

Vận động qua các hình thức thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, chơi các môn thể thao phù hợp với điều kiện và sức khỏe giúp cơ thể rèn luyện tốt. Thể dục thể thao giúp loại bỏ năng lượng dư thừa, ăn uống ngon miệng, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể từ bên ngoài mỗi khi có cơ hội.

Thạc sĩ Y học MAI HỮU PHƯỚC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/96_175837_da-nang-khong-thieu-nguon-cung-xang-e5.aspx