Đà Nẵng không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Ngày 25-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng do ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.

Ngày 25-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng do ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.

Ông Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ông Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Cần siết chặt quản lý thủy điện

Tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu, sau khi nghe ĐBQH báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vừa diễn ra, nhiều cử tri đã phát biểu, đề đạt nhiều ý kiến trên các lĩnh vực mà cử tri cả nước quan tâm. Cử tri Nguyễn Chí Tổng-P. Thanh Bình và một số cử tri có ý kiến, việc giải ngân vốn đầu tư công của cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng thời gian qua quá chậm. Vấn đề này, cần thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, lãng phí về đầu tư công.

Đề cập đến công tác bảo vệ rừng hiện nay, cử tri Lê Trí Tổng - Q. Hải Châu cho rằng, việc quản lý và sử dụng rừng còn rất lỏng lẻo. Trong khi đó, dự án về thủy điện nhỏ mọc lên nhiều đang phá hỏng môi trường tự nhiên rừng, trực tiếp gây ra những thảm họa sạt lở núi, điển hình là đợt bão lũ mới đây. Theo cử tri Tổng, hiện nay tài nguyên rừng suy tàn dần do bàn tay lâm tặc và một phần thủy điện vừa và nhỏ cũng như sự xuất hiện những biệt phủ của các đại gia. "Thủ tướng đã ra lệnh cấm phá rừng nhưng cấm cứ cấm, chặt cứ chặt, hậu quả không cần biết. Kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi thấy đề xuất trong 5 năm tới sẽ trồng 1 tỷ cây xanh, nhưng liệu có phủ kín được đồi trọc không? Trong khi còn phải trồng cây ở các đô thị nữa" - cử tri Tổng nói.

Cũng từ những vụ sạt lở núi vừa qua, có ý kiến cho rằng các cấp ngành cần quy hoạch bố trí khu dân cư đảm bảo an toàn cho các vùng núi cao và cần có tầm nhìn quy hoạch rộng hơn, hiệu quả hơn để người dân bớt khổ khi có thiên tai, mưa bão. "Vụ sạt lở tại Quảng Nam vừa rồi là bài học đau lòng. Vì vậy cần thiết phải có quy hoạch có tầm nhìn để bố trí nơi ở an toàn cho người dân", cử tri Trần Thanh Tân - Q. Sơn Trà nêu ý kiến. Cử tri Nguyễn Bá Trôi - P. Chính gián, Q. Thanh Khê, nói thẳng: Mưa lũ gây thiệt hại cho người dân một phần cũng từ phá rừng, thủy điện mà ra. Cử tri Trôi đề đạt, cần giám sát tốt hoạt động của thủy điện và bảo vệ rừng, bằng không hậu quả đều do nhân dân gánh hết.

Cử tri bày tỏ ý kiến.

Tín hiệu tích cực từ chống tham nhũng

Phần lớn ý kiến cử tri phản ánh trong kỳ tiếp xúc này tỏ ra phấn khởi về kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ qua. Theo cử tri Nguyễn Yên Thế - Q. Sơn Trà, công tác chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã đạt nhiều kết quả rất khích lệ, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Cử tri Thế cũng cho rằng, việc xử lý cán bộ cấp cao, cấp bộ ngành làm rất tốt rồi, xong cũng nên quyết liệt hơn ở các cấp nhỏ và công khai kết quả cho nhân dân biết, giám sát. Bên cạnh đó, cần động viên khen thưởng những người dân, cán bộ dám đứng ra cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Chung ý kiến, cử tri Lê Thọ Truyền - Q. Sơn Trà cùng nhiều cử tri các quận khác tỏ ta rất vui trước kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua, tuy nhiên vẫn mong muốn công việc này được duy trì, làm quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ tới. Bởi trên thực tế, vẫn còn nhiều quan chức sai phạm còn ung dung tự tại, lợi ích nhóm vẫn còn. "Ai cũng vui vì công tác phòng chống tham nhũng vừa qua làm quyết liệt, nhưng nhân dân vẫn chưa yên tâm. Việc thu hồi tài sản có làm, song chưa làm chặt, dẫn đến cán bộ tham nhũng tẩu tán tài sản. Đề nghị Nhà nước, Quốc hội điều chỉnh lại luật chống tham nhũng, cụ thể là những người tham nhũng số tiền lớn phải có hình thức xử lý mạnh tay, thu hồi hết tài sản" - một cử tri nói.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc Đà Nẵng sau khi tổ chức Đại hội Đảng các cấp đã điều động, luân chuyển một số nhân sự chủ chốt liệu đã hợp lý chưa? Như việc có cán bộ vừa được bầu giữ chức danh bí thư quận ủy, nhưng ngồi chưa "nóng ghế" thì lại luân chuyển đi nơi khác; rồi bí thư một quận được điều động, bổ nhiệm làm giám đốc sở "cộm cán" của thành phố...

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các quận cũng bày tỏ bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường, thay đổi sách giáo khoa mỗi năm gây tốn kém tiền của của nhân dân; những bất cập trong việc quản lý đất đai, đầu tư công, tiến độ các dự án treo quá lâu; vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi ảnh hưởng đến ANTT... Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, có giải pháp đối với vấn đề này.

Đà Nẵng sẽ không đánh đổi

Phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận, ông Trương Quang Nghĩa - Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến phát biểu thẳng thắn của cử tri với đoàn ĐBQH, đồng thời nhấn mạnh: Thời gian qua Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cử tri. Nhưng bên cạnh những kết quả nhất định, vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết. Về những ý kiến đề đạt của cử tri, ông Nghĩa khẳng định: Nhiệm kỳ vừa qua, công tác chống tham nhũng được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chú trọng và chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta làm được nhiều như vậy. "Không kể cấp lớn nhỏ, Quốc hội, Chính phủ đều đã quyết tâm làm, quyết tâm chống và xử lý nhiều cán bộ cao cấp. Như chúng ta thấy, từ trước tới nay chưa từng có, đó là việc xử lý, bắt cả Ủy viên Bộ chính trị như nhiệm kỳ qua" - ông Nghĩa nói.

Về chuyện phân công công tác đối với cán bộ sau đại hội, ông Nghĩa cho rằng là vấn đề rất khách quan và đều nằm trong đề án trước và sau đại hội, hoàn toàn không có gì bất ngờ hay bị động. Ông nói, không riêng gì ở Đà Nẵng, các địa phương khác trước đại hội đều có hiện tượng xì xầm, vận động. Tuy nhiên chúng ta đã từng bước minh bạch dần các vị trí công tác, được công khai dần qua các bước làm. Với Đà Nẵng vừa qua khá đặc biệt khi mà các đồng chí được chọn là cán bộ trẻ, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất nước. Về những ý kiến cử tri nêu về tình hình mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung vừa qua, ông Nghĩa cho hay, đó là bài học mà thành phố Đà Nẵng cần phải rút ra để có định hướng mới trong xây dựng và phát triển thành phố thời gian đến. Ông khẳng định, Đà Nẵng sẽ không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế...

CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_235062_da-nang-khong-danh-doi-moi-truong-lay-kinh-te.aspx