Đà Nẵng: Không cắt điện hầm Hải Vân, Công ty Đèo Cả vẫn 'la làng'?

Viện dẫn lý do bị hụt thu và thu phí qua các hầm quá thấp khiến Công ty CP Đầu tư Đèo Cả không có tiền trả tiền điện, tiền quản lý, bão dưỡng nên hầm Hải Vân 1 (Đà Nẵng) có nguy cơ bị đóng cửa?

Sáng 29.10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định, không có chuyện Công ty Điện lực Đà Nẵng sẽ cắt điện hầm Hải Vân vì đơn vị vận hành (Hamadeco) thiếu tiền điện.

“Vừa qua Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị đơn vị này chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ cấp kinh phí để thanh toán tiền điện đang thiếu. Tuy nhiên, không có chuyện hầm Hải Vân 1 có nguy cơ đóng cửa vì thiếu tiền điện vì đây là phụ tải đặc biệt, liên quan huyết mạch giao thông của cả nước. Việc Điện lực Đà Nẵng gửi văn bản đòi nợ là việc phải làm. Kể cả những tháng sau nữa Hamadeco có thiếu tiền điện thì cũng không thể cắt trừ khi có ý kiến của Chính phủ... ”, ông Lâm nói.

Liên quan sự việc trên, xác nhận với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Hưởng - Tổng Giám đốc Hamadeco cho biết, Hamadeco được chuyển về Công ty CP Đầu tư Đèo Cả từ tháng 12.2015 nên chi phí vận hành, quản lý, bảo dường hầm Hải Vân 1 do công ty này chi trả. Trong năm 2018, công ty CP Đầu tư Đèo Cả mới thanh toán cho Hamadeco chi phí vận hành hầm đến quý I/2018.

"Vừa qua trong các cuộc chất vấn của Quốc hội cũng có nhắc đến vấn đề này. Đến nay chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thanh toán tiền nợ không chỉ tiền điện mà chi phí quản lý, chi phí bảo dưỡng… hầm Hải Vân nhưng không có kết quả gì. Nếu tình trạng này tiếp tục chúng tôi rất khó khăn vì không còn khả năng xoay xở. Do không có kinh phí dẫn đến không thanh toán được tiền điện, lương công nhân… làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 thì Hamadeco không chịu trách nhiệm", ông Hưởng thông tin.

Hầm Hải Vân, Đà Nẵng sẽ được vận hành xuyên suốt. Ảnh: Đình Thiên

Trao đổi với Dân Việt, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho biết, vẫn chưa cung cấp cho người dân thông tin hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả có nguy cơ phải đóng cửa vì cần bổ sung thêm thông tin.

“Trước mắt mọi việc công ty đã có văn bản gửi Bộ GTVT. Còn việc có nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả hay không chúng tôi sẽ phải cung cấp thêm thông tin nhiều chiều. Trong ngày mai, chúng tôi sẽ có những thông tin cụ thể”, ông Thủy nói.

Theo văn bản của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, việc thiếu tiền điện, tiền quản lý, bão dưỡng các hầm là do bị hụt thu ở trạm Bắc Hải Vân và mức thu phí qua hầm Đèo Cả quá thấp dẫn đến thâm hụt nguồn thu.

Hiện, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1. Trường hợp Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5.11,2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm.

“Bộ GTVT vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng tài trợ vốn, do đó buộc Nhà đầu tư sẽ phải xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác”, trích văn bản của công ty Đèo Cả.

Đình Thiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/da-nang-khong-cat-dien-ham-hai-van-cong-ty-deo-ca-van-la-lang-925509.html