Đà Nẵng khẳng định không chủ quan khi chưa cách ly ngay BN35 mắc Covid-19

Sau khi Sở Y tế TP Đà Nẵng công bố lịch trình đi lại của BN35 mắc Covid- 19, dư luận cho rằng, Đà Nẵng chủ quan khi không cách ly ngay bệnh nhân này.

Sau khi Sở Y tế thành phố Đà Nẵng công bố lịch trình đi lại của bệnh nhân thứ 35 mắc Covid-19, trên mạng xã hội có dư luận cho rằng, Đà Nẵng chủ quan khi không cách ly ngay bệnh nhân này. Vậy, thành phố Đà Nẵng thực hiện công tác phòng chống dịch Covid 19 như thế nào?

Người nhà bệnh nhân xin đưa tư trang vào cho người thân cách ly tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng.

Người nhà bệnh nhân xin đưa tư trang vào cho người thân cách ly tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng.

Ngày 11/3, ngay sau khi Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 thứ 35 (BN35) là nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy Xanh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), ngành y tế thành phố đã kịp thời xác định những người tiếp xúc với bệnh nhân. Bệnh nhân hiện cư trú tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu cùng gia đình chồng. Trước đó, khoảng 18-19h ngày 4/3/2020, chị này có tiếp xúc trực tiếp với 2 bệnh nhân người Anh tại siêu thị Điện máy Xanh đến mua sim điện thoại trong khoảng thời gian 10 phút.

“Khả năng bệnh không chỉ qua đường hô hấp mà có thể qua thẻ, thẻ card tiền, qua trao tiền hoặc trao thẻ tín dụng. Nói là do không có khẩu trang với bỏ khẩu trang rồi tiếp xúc gần lây qua đường hô hấp là cũng đúng nhưng chưa đủ. Ngay cả việc cầm tiền và thẻ của họ là yếu tố lây bệnh rất cao”- BS Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid -19 TP Đà Nẵng cho biết.

Theo lịch trình công bố, ngày 8/3, chị N. sốt cao hơn nên không đi làm và nghỉ ngơi tại nhà chồng. Đến 14h chiều, chị được người nhà chở đi khám tại Bệnh viện Đà Nẵng và được chẩn đoán viêm phế quản cấp, được cấp thuốc và điều trị ngoại trú.

Khu cách ly đặc biệt- Bệnh viện phổi Đà Nẵng.

Sáng 9/3, chị này tiếp nhận thông tin trên mạng về 2 trường hợp người Anh và đối chiếu với hình ảnh từ camera tại siêu thị Điện máy Xanh. Đến 16h, chị tự đi xe máy một mình đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và được khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Dư luận đặt câu hỏi vì sao, bệnh nhân N. đi khám tại 2 bệnh viện mà vẫn được cho về nhà điều trị ngoại trú? Về việc này, Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hay cả Đà Nẵng hoàn toàn không chủ quan. Tất cả bệnh nhân đến khám đều thực hiện theo quy trình.

“Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chỉ cách ly những người nào F1 mà có triệu chứng nghi như sốt, ho, đau ngực, khó thở khi đến khám. Nếu bệnh nhân đến khám mà không có triệu chứng đó, chúng tôi sẽ hỏi, phân loại. Nếu F1, chúng tôi chuyển về Trung tâm Y tế các quận huyện, còn F2, F3 mà khi đến khám không có triệu chứng thì chúng tôi chuyển về nơi cư trú. Còn bệnh nhân đến khám mà là F1 đồng thời có triệu chứng nghi, chúng tôi đưa vào cách ly tại bệnh viện. Nói Bệnh viện Phổi hoặc là Đà Nẵng bỏ sót bệnh nhân điều đó không đúng”- bác sĩ Lê Thành Phúc cho biết.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định, không có chuyện ngành y tế Đà Nẵng chủ quan trong việc phòng chống dịch. Theo bà Yến, ngày 9/3, tất cả các thông tin về 2 người Anh mắc Covid-19 chưa thể công khai được. Lúc 16h ngày 9/3, khi cô N. đến khám tại Bệnh viện Phổi thì thành phố Đà Nẵng vẫn chưa nhận được Công văn hỏa tốc 1126 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc cách ly tại cơ sở y tế những người tiếp xúc gần (F1) không có triệu chứng. Vì vậy, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thực hiện đúng hướng dẫn 345 trước đây của Bộ Y tế về việc không quy định buộc trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly tại cơ sở y tế ngay lập tức.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh.

Bà Ngô Thị Kim Yến khẳng định, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện đúng quy định. Theo bà Yến, mặc dù chưa nhận được Văn bản 1126, nhưng đã có sự liên hệ giữa Bệnh Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Hải Châu. Vì vậy, 18h ngày 9/3, bệnh nhân về đến nhà, được Trung tâm Y tế quận Hải Châu thăm khám tại nhà và khuyến cáo đến cơ sở y tế để thực hiện cách ly. Sau đó, bệnh nhân tự đến lại Bệnh viện Phổi lúc 21h cùng ngày và được thu dung, cách ly, điều trị.

“9h tối, cô ấy đến lại Bệnh viện Phổi mới có dấu hiệu sốt, Bệnh viện Phổi cho nhập viện ngay và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi nhận được văn bản 1126 thì 19h tối ngày 9/3, Sở Y tế Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp ngay với Trung tâm Y tế các quận huyện để triển khai tinh thần văn bản này là cách ly những trường hợp tiếp xúc gần tại cơ sở y tế”- bà Ngô Thị Kim Yến nói.

Thực tế cho thấy, từ khi bùng phát dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch. Đúng trưa 30 Tết, Chủ tịch UBND thành phố này đã chủ trì họp khẩn với các sở ban ngành bàn biện pháp phòng chống dịch. Ngày mùng 1 Tết, tin tức về đoàn khách 218 người Vũ Hán ở lại TP Đà Nẵng càng làm nóng dư luận. Chiều mùng 1 Tết, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP vào Bệnh viện họp ban chỉ đạo chống dịch. Sau đó là sắp xếp, đưa đoàn khách Vũ Hán về nước, đón 14 du học sinh từ Vũ Hán về Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ Y tế vào kiểm tra công tác phòng chống dịch lúc nửa đêm. Trong Tết, cả thành phố căng cứng vì thông tin dịch bệnh. Cả triệu người lo lắng về sức khỏe của mình và người thân. Nhưng ngành y tế luôn vững vàng ngày đêm phòng chống dịch.

Ngày 24/2, ngay cả khi chưa có quy định cách ly người đến từ vùng dịch, Đà Nẵng đã chủ động xin ý kiến Chính phủ đưa 22 khách Hàn Quốc đến từ vùng dịch lên cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, sau đó bố trí máy bay đưa họ về nước. Mới đây, ngày 7/3, khi nghe tin 4 hành khách người Na Uy, Phần Lan đi trên chuyến bay VN0054 với Bệnh nhân thứ 17, đến Đà Nẵng bằng tàu SE3, các ngành chức năng đã phong tỏa sân ga, vệ sinh tiêu độc khử trùng toa số 10 và đưa 4 hành khách này về Bệnh viện 199 Bộ Công an cách ly 14 ngày theo quy định. Cả ngày lẫn đêm, trên trang mạng "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi xanh sạch đẹp" với hơn 103.000 thành viên, mọi diễn biến về dịch bệnh đều được công khai, cung cấp nhiều thông tin chuẩn xác cho người dân về công tác phòng chống dịch. Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cũng thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh để cung cấp cho các cơ quan báo chí, mạng xã hội./.

Chiều 11/3, UBND TP Đà Nẵng có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng được phép công bố khẳng định những mẫu bệnh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 được xét nghiệm tại đơn vị này. Theo UBND TP Đà Nẵng, kết quả các mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng trùng khớp với Viện Pasteur Nha Trang. Do vậy, thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Y tế cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng được phép công bố khẳng định để chủ động phòng chống dịch./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-khang-dinh-khong-chu-quan-khi-chua-cach-ly-ngay-bn35-mac-covid19-1020911.vov