Đà Nẵng hướng đến nông nghiệp công nghệ cao (Kỳ cuối: Vì sao chưa hấp dẫn đầu tư?)

Lợi thế về hạ tầng, về thị trường cùng những ưu đãi rất lớn, tuy vậy ngành nông nghiệp CNC của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Lợi thế về hạ tầng, về thị trường cùng những ưu đãi rất lớn, tuy vậy ngành nông nghiệp CNC của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Mô hình trồng hoa treo trong nhà kính ứng dụng CNC của anh Chương.

Mô hình trồng hoa treo trong nhà kính ứng dụng CNC của anh Chương.

Sản xuất không đủ bán

Đà Nẵng có nhu cầu hoa tươi trang trí rất lớn, song phần lớn phải nhập khẩu từ các địa phương khác, nhiều nhất từ Đà Lạt (Lâm Đồng). Vài năm trở lại đây, khi CNC được áp dụng vào nông nghiệp, các giống hoa được lai tạo, trồng trong nhà kính chủ động về độ ẩm, nhiệt độ... thì tại TP cũng xuất hiện nhiều mô hình trồng hoa CNC. Ngoài các loại hoa lan được trồng ngắt bông bán ở Hòa Châu, Hòa Phước thì các loại hoa treo trang trí ở Hòa Ninh cũng khá phát triển. Anh Nguyễn Ngọc Chương, chủ cơ sở sản xuất hoa treo trên diện tích 6.000 m2 ở Hòa Ninh cho biết, nhờ ứng dụng CNC vào sản xuất mà mỗi tháng cơ sở của anh thu nhập 50 triệu đồng. Cơ sở này được anh Chương đầu tư trên 1 tỷ đồng từ 2 năm qua, sản xuất hàng chục loại hoa treo tường, trong đó nổi bật nhất là dạ yến thảo, dừa cạn, cát tường, thu hải đường... Vốn là nhân viên phân phối hạt giống, anh Chương có điều kiện đi tham quan nhiều trại trồng hoa và tích lũy cho mình kinh nghiệm nhất định. Năm 2014, anh Chương rời TP.HCM về Hòa Ninh mở cơ sở sản xuất hoa treo ứng dụng CNC. Anh tâm sự, nghề trồng hoa treo ngoài kỹ thuật thì việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNC vào sản xuất rất quan trọng. Chính việc sản xuất trong nhà kính, tạo độ ẩm, tưới tiêu cho cây bằng hệ thống phun nước tự động sẽ giúp hoa cho năng suất cao, màu sắc đẹp. Nhờ vậy, trong cơ sở của anh Chương lúc nào cũng có trên dưới 5 ngàn cây hoa bán gối đầu quanh năm cho khách hàng khắp miền Trung. Nhu cầu thị trường lớn tới mức nhiều lúc không có đủ hoa để xuất. Anh Chương chia sẻ: “Nhu cầu trang trí hoa treo ở các khách sạn, resort, quán cà-phê, biệt thự... rất lớn. Đặc biệt Huế, Đà Nẵng, Hội An lại có nhiều cơ sở du lịch, nhu cầu càng cao”.

Với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu nên xã Hòa Phú được qui hoạch phát triển vùng trồng rau sạch, cây ăn trái ứng dụng CNC. Khu vườn rau trồng trong nhà kính diện tích 10.000 m2 của anh Nguyễn Văn Sơn thôn Đồng Lâm mới được đầu tư khá bài bản. Mô hình này được hợp tác bởi anh Nguyễn Thắng, một người con của Hòa Vang hiện đang sản xuất rau sạch tại Lâm Đồng khá thành công. Các qui trình từ tạo giống, làm đất, sản xuất, chăm sóc... được anh Thắng tư vấn, chuyển giao cho nông dân Hòa Phú. Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch xã Hòa Phú nói, 10 ngàn m2 nhà kính trồng rau ứng dụng sản xuất bằng CNC có chi phí rất lớn, khoảng 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên rau sản xuất ra là rau sạch, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, mô hình trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng CNC tại Hòa Phú cũng đang được mở rộng. Theo ông Tân, tại xã hiện có 10 hộ nông dân trồng thanh long ứng dụng CNC vào sản xuất, trong đó người trồng nhiều nhất là anh Trần Văn Phúc (1981, thôn An Châu) với 2 vườn diện tích hơn 5 ngàn m2. Anh Phúc kể, với giá bán tại vườn 20 ngàn đồng/kg, vườn thanh long 300 trụ của anh mỗi năm thu nhập 50 triệu đồng. Anh Phúc đang có ý định mở rộng diện tích trồng thanh long bởi lẽ cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng ở Hòa Phú, qui trình chăm sóc đơn giản, thị trường tiêu thụ lớn, không có đủ sản phẩm để bán. Anh Phúc chia sẻ: “Thanh Long ở đây trái nhỏ nhưng ngọt, tươi nên người mua rất thích. So với các cây trồng khác thì thanh long phù hợp với vùng đất khô, nóng này mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Anh Phúc bên vườn thanh long nhà mình.

Ưu đãi nhưng phải… chờ!

Trong thực tế, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đà Nẵng vẫn hạn chế, manh mún. Ông Nguyên Tân, Chủ tịch xã Hòa Phú nói rằng, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chi phí rất lớn, song vì qui mô nhỏ, manh mún, nguồn cung sản phẩm không ổn định nên rất khó tạo thương hiệu. Đơn cử như rau sạch CNC do chi phí đầu tư lớn, giá thành cao, nên chủ yếu cung cấp cho các resort, nhà hàng lớn, những gia đình giàu có đặt mua tận nhà... chứ đưa ra chợ không bán được, hoặc bán lỗ, đưa vào siêu thị thì nguồn cung ít, không ổn định, rất khó hợp tác. Theo ông Tân, để nông nghiệp CNC phát triển được thì cần sự đầu tư của các doanh nghiệp (DN), chứ nông dân có đất nhưng diện tích hạn hẹp, cũng không có vốn lớn để đầu tư. Trong khi DN có nguồn tài chính đủ mạnh, có khả năng tích tụ ruộng đất (như thuê, mua) để có thể hình thành các vùng, dự án nông nghiệp CNC qui mô, sản lượng lớn, kết nối chặt chẽ với các kênh phân phối ra thị trường.

Tuy vậy, việc kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp CNC rất khó khăn. Một mặt vì vốn đầu tư lớn, mặt khác có thể lợi nhuận không cao bằng các ngành đầu tư khác. Ông Tân dẫn chứng, ở Hòa Phú được Trung tâm công nghệ sinh học TP lấy mẫu đất nghiên cứu, phân tích khu vực thôn Đồng Lăn và Hội Phước phù hợp trồng cây dược liệu như Đinh lăng, Trinh nữ hoàng cung, nghệ... Từ đây, 10ha đất tại 2 thôn này được TP qui hoạch vùng trồng dược liệu. Một DN của TP là Danapha đã lên khảo sát nhiều lần, nghiên cứu rất kỹ nhưng vẫn chưa có quyết định đầu tư. “Bây giờ đất vẫn của dân, nếu muốn đầu tư thì DN phải thuê hoặc mua. Mà đầu tư cho nông nghiệp thì cần đất lớn, vì thế các DN cân nhắc rất kỹ”- ông Tân chia sẻ.

Xác định chỉ DN mới đủ năng lực làm nông nghiệp CNC qui mô nên Đà Nẵng có chính sách ưu đãi rất lớn để thu hút DN vào lĩnh vực này. Theo ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ được TP hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) 50% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC 50% nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp CNC...

Có thể nói, các mức hỗ trợ của TP để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC là rất lớn. Hiện tại, một số nhà đầu tư đã tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nông nghiệp CNC tại Đà Nẵng. TP hy vọng với chính sách ưu đãi, hạ tầng phát triển, trong Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng vào tháng 10 tới sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực này.

HẢI HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_172609_da-na-ng-huo-ng-de-n-nong-nghie-p-cong-nghe-cao-ky.aspx