Đà Nẵng: GRDP 2019 dự kiến chỉ đạt tối đa 8,02%

Kinh tế xã hội Đà Nẵng 4 tháng đầu năm tăng trưởng không khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ đạt hơn 5%, chỉ số tồn kho tăng, chỉ số sử dụng lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng tăng. Kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng năm 2019 đứng trước nguy cơ phải điều chỉnh giảm, dự kiến sẽ chỉ đạt tối đa 8,02% thay vì 8,86% như mục tiêu đề ra.

IIP Đà Nẵng 4 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 5%

IIP Đà Nẵng 4 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 5%

Sáng 15/5, trong phiên thảo luận về vấn đề giải ngân đầu tư công và tình hình tăng trưởng kinh tế xã hội Đà Nẵng của chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" do HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Trần Chí Cường – Trưởng ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố bày tỏ lo ngại tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ không đạt được như mục tiêu đặt ra cho năm 2019 là GRDP đạt 8,86% do tình hình giải ngân thấp tại các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư trọng điểm.

Theo đó, đến hết quý I/2019 kết quả giải ngân mới đạt 7% kế hoạch của năm, đến hết tháng 4 mới đạt 11,2%. Cá biệt các công trình trọng điểm giải ngân mới đạt 6%, và liên tục báo chậm tiến độ khởi công.

Ông Cường đặt ra câu hỏi, bức tranh kinh tế thành phố quý I/2019 nhiều thách thức; các công trình trọng điểm khởi công chậm, giải ngân thấp làm sao đảm bảo GRDP đạt 8,86%. Trong khi, trong nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra yêu cầu Đà Nẵng phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP trên 12%/năm từ sau năm 2020 (giai đoạn 2021 – 2030), với tình hình phát triển như hiện tại, Đà Nẵng làm sao đảm bảo được mức tăng trưởng này.

Trái với lo ngại của ông Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn lại bày tỏ lạc quan về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng, nhất là trong vấn đề giải ngân đầu tư công. Theo ông Sơn, tính đến ngày 10/5, Đà Nẵng đã giải ngân được 786 tỷ đồng chiếm 15% kế hoạch của năm. “So với cả năm 2018 chỉ giải ngân được 8% thì đây là một tín hiệu khả quan”.

Theo ông Sơn, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo đúng kịch bản mục tiêu đã đặt ra, ngành công nghiệp phải duy trì được tốc độ tăng trưởng như năm 2018 (năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,2%), các ngành dịch vụ phải tăng 1,22%, xây dựng 1,9%.

Mặc dù lạc quan về kinh tế, nhưng ông Sơn cũng thừa nhận, bất chấp kết quả thu hút đầu tư ấn tượng trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Đà Nẵng có sự tụt giảm mạnh, IIP Đà Nẵng 4 tháng đầu năm ước tăng 5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (7,18%) và so với kế hoạch (7,2%).

Ông Sơn đề xuất cần có các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các ngành hàng xuất khẩu bị tụt giảm trong 4 tháng đầu năm như thực phẩm chế biến, điện tử, động cơ…. Bên cạnh đó, phải thu hút đa dạng khách du lịch, đặc biệt là khách thượng lưu thông qua việc tạo các sản phẩm du lịch kích thích chi tiêu của du khách; song song với đó là giám sát chặt chẽ và truy thu thuế trong lĩnh vực này.

GRDP Đà Nẵng năm 2019 đạt cao nhất là 8,02% thay vì 8,86% như HĐND thành phố giao

Thông tin cụ thể các số liệu kinh tế của Đà Nẵng 4 tháng đầu năm, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Đà Nẵng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,3%, giảm so với cùng kỳ. Nhìn sơ bộ thì chỉ số công nghiệp tăng, lượng khách du lịch tăng. Tuy nhiên, đi vào cụ thể thì lại rơi vào thực trạng “tăng mà giảm” vì những ngành công nghiệp có tăng trưởng mạnh thì chiếm tỷ trọng rất thấp, những ngành chiếm tỷ trọng cao, quyết định đến IIP như dệt may, kim loại, điện tử lại giảm. Đó là lý do sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, thống kê cũng cho thấy các chỉ số tồn kho (hàng hóa), thất nghiệp, thiếu việc làm tăng (năm 2018 có hơn 4.000 lao động bị cắt hợp đồng); chỉ số sử dụng lao động giảm.

Từ những số liệu cụ thể đó dẫn đến kết quả phát triển kinh tế 4 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Nó cũng khiến kịch bản tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng gần như chắc chắn sẽ bị điều chỉnh giảm từ 8,86% như kế hoạch xuống chỉ còn đạt tối đa 8,02%. Con số này dựa trên tính toán bình quân kinh tế xã hội 3 năm 2016 – 2018, dựa trên chiều hướng tăng trưởng, dựa trên kinh tế tháng 4, 4 tháng đầu năm 2019 và nhịp độ tăng trưởng của cả nước để đưa ra số liệu.

Và muốn GRDP đạt 8,02% lĩnh vực nông lâm thủy sản phải tăng 3,89%, công nghiệp xây dựng 7,06% (giảm hơn so với năm 2018).

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ

Thông tin về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ thừa nhận “tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng quý I và 4 tháng đầu năm không mấy khả quan. Với tình hình phát triển như hiện tại như thì Đà Nẵng khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế GRPD 8,86% như HĐND giao".

Theo ông Thơ, về lĩnh vực sản công nghiệp, IIP chỉ tăng có 5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nhìn thấy rõ qua sự tụt giảm của những ngành công nghiệp chủ lực như sắt thép, điện, điện tử, dệt may…. Chỉ số sử dụng lao động không tăng mà còn giảm cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, chỉ số hàng tồn kho tăng.

Lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực chiếm hơn 60% GRDP, kết quả cũng không khả quan. Lượng khách du lịch tăng nhưng doanh số du lịch tăng không tương xứng, chứng tỏ chi tiêu bình quân đầu người không tăng.

Ông Thơ cho biết, 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng phụ thuộc vào 3 yếu tố chính gồm vốn đầu tư (chiếm hơn 42%), lao động (15%), năng suất tổng hợp (42%). Để kinh tế phát triển làm sao để khởi thông được dòng vốn trong toàn xã hội, việc đầu tư làm sao cho thuận lợi rõ ràng.

Doanh nghiệp rất kêu ca về quy trình hoàn thành thủ tục từ khi có đất đến khi hoàn thiện pháp lý rất mất thời gian. Ngay cả những dự án đầu tư công các thủ tục cũng rất phức tạp và vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân rất thấp. Không có đầu tư trong khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, xuất khẩu khó khăn, hàng tồn khó tăng nên dẫn đến chỉ số lao động giảm. Việc áp dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh còn chậm nên năng suất lao động, hiệu quả sản xuất chưa tăng.

Ông Thơ đề nghị các Sở, ngành tập trung để thúc đẩy các lĩnh vực trọng yếu phát triển. "Một trong những việc làm rất quan trọng trong ngắn hạn là tập trung vào tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều khu đất của thành phố còn để trống, dù tất cả đều có chủ nhưng không triển khai xây dựng, kinh doanh được do đang liên quan tới kết quả thanh tra, kiểm tra đất đai, Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ vấn đề này. Tập trung vào các thúc đẩy các lĩnh vực trọng yếu để trong 8 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao để bù đắp cho quý I, để hi vọng GRDP đạt được con số khả dĩ (8,02) chứ không phải ra 7,86% như năm 2018” - ông Thơ nói.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-grdp-2019-du-kien-chi-dat-toi-da-802-119666.html