Đà Nẵng: Giúp học sinh cách tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội

Ngày 9/7, tại trường Tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng tổ chức chương trình 'Nói không với Fake News' với chủ đề 'Cách tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội'. Chương trình có sự tham gia của 100 học sinh lớp 5 trường Tiểu học Phù Đổng.

Theo đó, Chương trình "Nói không với Fake News" được tổ chức thông qua buổi chia sẻ tại trường học và thực hiện theo module các buổi ngoại khóa đào tạo kỹ năng cho học sinh gồm: lý thuyết về tin giả, nguồn gốc và thực trạng tin giả, phân loại tin giả, cách nhận diện tin giả, các ví dụ minh họa sinh động gần gũi dễ hiểu, tổ chức các trò chơi thực hành gắn với việc nhận biết, phân biệt, ứng xử với tin giả.

Khoảng 100 học sinh lớp 5 trường Tiểu học Phù Đổng tham gia chương trình.

Khoảng 100 học sinh lớp 5 trường Tiểu học Phù Đổng tham gia chương trình.

Bí thư Đoàn Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên Trịnh Minh Thanh cho biết: Dự án "Nói không với Fake news" nhằm mục đích chia sẻ, trang bị kỹ năng phòng chống tin giả cho đối tượng học sinh từ Tiểu học đến THPT. Chương trình thử nghiệm đầu tiên đã được Đoàn cơ sở Cơ quan TTXVN khu vực MT-TN thực hiện tương đối thành công với 100 học sinh lớp 9 tại thành phố Đà Nẵng ngày 24/12.

"Với việc theo đuổi Dự án "Nói không với Fake news" dành cho học sinh, chúng tôi mong muốn thể hiện trách nhiệm xã hội của các phóng viên, nhà báo trẻ của TTXVN, góp phần định hướng và giúp cho giới trẻ có kỹ năng nhận diện và đấu tranh chống lại tin giả đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với tốc độ phủ sóng mạnh mẽ của mạng xã hội và các kênh chia sẻ thông tin trên Internet", chị Trịnh Minh Thanh chia sẻ.

Các em học sinh trao đổi khi tham gia chương trình “Nói không với Fake News”.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Mai Tấn Linh, học sinh, sinh viên là lứa tuổi tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, trong khi phần lớn chưa có kỹ năng kiểm chứng thông tin và kinh nghiệm ứng xử với các tin tức xấu, độc. Do đó, tin giả có thể tác động xấu đến việc hình thành nhân cách và lối sống của giới trẻ, thậm chí trong nhiều trường hợp, chính các em lại vô tình tiếp tay cho tin giả lan truyền rộng.

"Chương trình "Nói không với Fake news" đã phần nào giúp các em học sinh có thể nâng cao nhận thức, trang bị cho bản thân kỹ năng nhận diện tin giả, tra cứu thông tin chuẩn xác từ những kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy. Sau khi có được hiểu biết cơ bản về tin giả, các em học sinh sẽ có đủ cơ sở và sự tự tin để để ngăn chặn sự lây lan của tin giả, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của giới trẻ khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội", ông Mai Tấn Linh cho biết.

Được biết, Chương trình "Nói không với Fake News" được Đoàn Thanh niên TTXVN triển triển khai thực hiện ở các bậc học sinh từ Tiểu học đến Trung học phổ thông trên tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Đây là dự án "Nói không với Fake News" đầu tiên trên thế giới do cơ quan báo chí chính thống tổ chức, được đưa vào trường học và phổ biến rộng rãi khắp toàn quốc.

Đ.Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/da-nang-giup-hoc-sinh-cach-tranh-bi-lua-dao-tren-mang-xa-hoi-20200709155811713.htm