Đà Nẵng: Dự án ga đường sắt 'treo', dân khổ

Ở phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng có tới 19 tổ dân phố, hơn 2000 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án xây dựng ga Đà Nẵng mới, được công bố từ năm 2003. Là một dự án mang tầm chiến lược nhưng chính quyền, các ban ngành thành phố đến các Bộ, ngành Trung ương cũng 'đau đầu' về dự án này, bởi vấn đề vốn…

Ao chuôm, cây dại bao quanh những ngôi nhà dự án ga đường sắt mới Hòa Khánh Nam

Theo chân cán bộ Văn phòng UBND phường Hòa Khánh Nam, chúng tôi xuống khối phố Chơn Tâm 1B7, khối phố này có 3 tổ dân phố 16, 17, 18, với 320 hộ dân, thuộc 19 tổ dân phố nằm trong dự án quy hoạch Ga Đà Nẵng mới. Ông Nguyễn Nhi - Trưởng Ban công tác mặt trận khối phố cười: “Gọi là phố cho “oai”, chứ những khu dân cư ở đây thì còn thua kém xa một làng quê đã được xếp hạng nông thôn mới ở Hòa Vang, hay Quảng Nam”.

Theo lời ông Nhi, gia đình ông có 11 người gồm 2 vợ chồng già, 3 cặp vợ chồng, cháu ngoại cháu nội, 15 năm nay chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 100 m2. Tổng diện tích đất của ông 870 m2, nhưng đành để không, vì không thể tách thửa, chia cho con cái được... Mười mấy tổ dân phố ở đây, có đến hơn một nửa số hộ dân có hoàn cảnh sống như gia đình ông.

Dường như đã quá quen với cảnh sống tạm bợ này, ông Nhi cũng chẳng lấy làm bức xúc, cứ dẫn chúng tôi đi quanh, “giới thiệu” một cách tự nhiên, như hướng dẫn viên du lịch vậy. Nguồn điện sinh hoạt ở đây thì tốt, nhưng hệ thống đường dây thì xuống cấp tạm bợ, chằng chịt, vì khu dân cư toàn ngõ ngách, kiệt hẻm, người lạ vào, khó mà tìm đường ra. Ông Nhi bảo, năm nào cũng xảy ra chập cháy về điện, rất may là không thiệt hại về tài sản và người...

Rãnh nước thải lộ thiên, đầy rác rưởi dọc khu dân cư tổ 16, 17, Hòa Khánh Nam

Nói về nước sinh hoạt, cách đây 15 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, nhưng nay đã là hơn 2000 hộ dân, cho nên vào mùa nắng, tình trạng thiếu nước liên tục xảy ra. Trước đây hộ dân nào cũng có giếng đóng, giếng đào, nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng vào bất cứ việc gì. Có lẽ, đáng sợ nhất nơi đây là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gần như 19 tổ dân cư ở đây không có hệ thống cống rãnh thoát nước, nhiều hộ dân bao quanh vẫn là những ao chuôm, mọc đầy thứ cây môn hoang dại.

Khủng khiếp nhất là vào mùa mưa, nhiều con đường kiệt hẻm còn là đường đất, nước mưa ứ đọng, trộn lẫn nước thải, kể cả hầm cầu vệ sinh dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ai vào khu vực dân cư này cũng phải ái ngại. Không chỉ mùa mưa, những ngày nắng nóng, nước thải ứ đọng bao quanh khắp khu vực cũng bốc mùi khó tả...

Vòng quanh khu vực dự án đã quy hoạch, vượt lên một con dốc đường đất đỏ, nằm trên một gò đồi thuộc tổ dân cư 15, điều bất ngờ với chúng tôi là một khu vực nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, nằm lọt, kề sát với các nhà người dân khu vực. Những ngôi nhà tạm bợ, xây dựng đủ kiểu hình dạng, xoay đủ hướng, cũng chằng chịt dây điện, ùn ứ rác thải, những rãnh nhày nhụa bùn nước thải, cây cỏ dại bao quanh...
Anh Hoàng, một người dân khu vực cho biết, khu dân cư này đã sống ở đây từ lâu, nhiều hộ cũng đã trên 10 năm. Những ngày mưa, nước từ các khu mồ mả chảy tràn cả vào nhà cửa của người dân, sống ngay khu nghĩa địa này, biết là bất an về vệ sinh môi trường, nhưng đành vậy, vì không biết làm sao.

Nhà người dân nằm bao quanh khu nghĩa địa ở tổ 15, Hòa Khánh Nam

Cuộc sống chen chúc, chật chội, ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhà cửa xuống cấp không có kinh phí sửa chữa, hoặc không thể sửa chữa... là những vấn đề đang diễn ra thường ngày ở hàng trăm hộ dân, nhiều tổ dân phố ở khu dự án ga đường sắt Đà Nẵng mới đã quy hoạch từ 15 năm nay ở Hòa Khánh Nam.

Trao đổi với PV, ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, ở khu vực Hòa Khánh Nam, bà con rất bức xúc về chuyện nhà cửa chật hẹp, có đất mà không thể tách thửa cho con cái, trong khi nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ngày càng vô cùng cần thiết, khi con cái người dân dựng vợ, gả chồng khi ra ở riêng. Tuy nhiên, quận vẫn quyết liệt, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xây dựng trái phép.

Có thể thấy, do thiếu vốn đầu tư, dự án ga đường sắt mới, đã bị “treo” quá lâu, nếu dự án vẫn tiếp tục triển khai như quyết tâm của chính phủ, của chính quyền thành phố, bộ ngành chủ quản chức năng, tình trạng xây dựng trái phép, chia tách thửa trái quy định nhà nước....có nghĩa là kinh phí đầu tư dự án sẽ đẩy lên rất cao, so với dự kiến ban đầu, khi đền bù giải tỏa. Và cũng có nghĩa rằng, dự án đã thiếu vốn, lại càng thiếu trầm trọng hơn…

Xuân Lam

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/da-nang-du-an-treo-dan-kho-1262377.html