Đà Nẵng đột phá về công nghiệp thế nào? (Bài 2: Nâng chất lượng các khu công nghiệp)

Phải có một cuộc cách mạng để cải tổ, nâng cao chất lượng ngay trong các khu công nghiệp (KCN) hiện có và cả các KCN mới sắp xây dựng. Đó gần như là yêu cầu bắt buộc để công nghiệp sản xuất có thể bứt phá, gia tăng quy mô kinh tế cho TP trong bối cảnh hiện nay.

Phải có một cuộc cách mạng để cải tổ, nâng cao chất lượng ngay trong các khu công nghiệp (KCN) hiện có và cả các KCN mới sắp xây dựng. Đó gần như là yêu cầu bắt buộc để công nghiệp sản xuất có thể bứt phá, gia tăng quy mô kinh tế cho TP trong bối cảnh hiện nay.

Cơ khí tự động, chính xác là một trong những ngành sản xuất ưu tiên thu hút vào KCN Hòa Cầm.

Cơ khí tự động, chính xác là một trong những ngành sản xuất ưu tiên thu hút vào KCN Hòa Cầm.

Đà Nẵng đất hẹp, các KCN nằm liền kề khu dân cư, thậm chí nằm giữa trung tâm TP, mâu thuẫn với phát triển dịch vụ. Đây là thực tế lịch sử do các KCN ở Đà Nẵng phát triển khá sớm, công nghệ sản xuất đã lạc hậu, hiệu quả thấp, tạo sức ép lên môi trường. Đà Nẵng không thể bỏ các KCN, thậm chí phải phát triển thêm, nhưng trong điều kiện đặc thù và bối cảnh hiện nay, các KCN ở Đà Nẵng buộc phải “thay máu”. Cụ thể KCN An Đồn khoảng 50 ha sẽ thực hiện di dời để chuyển sang đất ở đô thị, KCN chế biến thủy sản tại Thọ Quang hơn 50 ha sẽ chuyển đổi ngành nghề sang dịch vụ - thương mại thủy sản. Đối với các KCN hiện hữu như Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm sẽ thực hiện lộ trình di dời, chuyển đổi công nghệ các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường như luyện kim, sản xuất giấy, nhuộm vải, chế biến tinh bột…để hướng tới trở thành KCN sinh thái. Đặc biệt, do quỹ đất hạn hẹp, vì vậy với các KCN hiện có cần nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng. Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, cho thuê làm kho bãi, giữ đất chậm triển khai dự án... trong khi nhiều doanh nghiệp thực sự có nhu cầu sản xuất lại rất khó khăn tìm kiếm mặt bằng. Qua rà soát tại các KCN có 16 dự án chậm triển khai, tổng diện tích hơn 47 ha. BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 12/ 16 dự án với diện tích đất đang triển khai xây dựng hoặc giao cho nhà đầu tư khác có nhu cầu hơn 40 ha. Trong số các dự án được bố trí, có 2 dự án quy mô lớn từ nhà đầu tư Nhật Bản gồm Cty Daiwa Việt Nam hơn 4 ha vốn đăng ký 40 triệu USD và Cty Đà Nẵng Telala, diện tích đất hơn 1,1 ha vốn đăng ký hơn 6,6 triệu USD. Một số dự án hơn 10 năm không hoạt động do khó khăn tài chính hoặc sử dụng không hết đất, cho thuê lại không phép, nhếch nhác cũng đã xử lý dứt điểm. Với 5 dự án cho thuê nhà xưởng không đúng quy định đã xử lý dứt điểm 3 dự án.

Song song với việc chuyển đổi các KCN hiện có thì các KCN mới xây dựng của Đà Nẵng cũng phải gắn với công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường. Điển hình như Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng diện tích hơn 1,1 ngàn ha, tổng vốn hơn 8,8 ngàn tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1 hơn 400 ha, giai đoạn 2 hơn 217 ha và giai đoạn 3 đang xây dựng đạt hơn 60% khối lượng. Hiện nay Khu CNC đã thu hút 22 dự án trong đó có 10 dự án FDI tổng vốn 400 triệu USD, 12 dự án trong nước tổng vốn gần 6,3 ngàn tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã đi vào sản xuất tại Khu CNC, nổi bật như dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Hoa Kỳ), dự án Nhà máy Niwa Foudy Việt Nam (Nhật Bản), dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị y tế ICT Vina (Hàn Quốc)... Mới nhất, Khu CNC Đà Nẵng đã đón nhận dự án nhà xưởng cho thuê của Cty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) đầu tư với tổng vốn 600 tỷ đồng. Saigontel cũng cam kết kêu gọi 5 nhà đầu tư thứ cấp vào Khu CNC Đà Nẵng sau khi hoàn thiện dự án nhà xưởng của mình. Khu CNC Đà Nẵng là một điển hình về phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới, bởi các dự án đầu tư đều được chọn lọc yêu cầu khắt khe về công nghệ, gắn với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời có diện tích lớn hơn tổng diện tích 6 KCN hiện có của Đà Nẵng. Ngay Khu CNC còn có Khu CNTT tập trung (Danang IT Park) và KCN phụ trợ, tạo thành một quần thể phát triển công nghiệp gắn với công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng mới cho TP.

Ngoài ra, để tạo sức bật cho công nghiệp, Đà Nẵng cũng đang thực hiện đấu giá đất tìm nhà đầu tư xây dựng 3 KCN mới tổng giá trị gần 14 ngàn tỷ đồng. Các KCN mới đều được định hướng gắn với thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường và công nghệ sản xuất tiên tiến. Theo đó KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 rộng 120 ha thuộc nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất đồ gia dụng. KCN Hòa Nhơn rộng 360 ha thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, cơ khí chính xác, dược phẩm, vật liệu xây dựng cao cấp… KCN Hòa Ninh 400 ha thuộc nhóm nghành nghề công nghiệp điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, may mặc… Mặt khác, để đáp ứng mặt bằng cho DN nhỏ, TP cũng đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp mới tổng diện tích khoảng 83 ha tại Hòa Vang, Liên Chiểu. Như vậy, trong thời gian tới, khi hoàn thành các KCN mới, Đà Nẵng sẽ có 10 KCN tổng diện tích hơn 2,2 ngàn ha để thu hút nhà đầu tư.

Như vậy với 6 KCN hơn Đà Nẵng hiện có hơn 1 ngàn ha đất công nghiệp trong 6 KCN, thu hút trên 460 dự án, tổng vốn khoảng 37 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 77 ngàn lao động. Trong cơ cấu kinh tế TP, ngành công nghiệp đóng góp hơn 22% GRDP, DN trong các KCN đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách TP.

Với xu hướng và đặc thù của TP, việc phát triển công nghiệp đã tiếp cận theo hướng nâng cao giá trị và công nghệ, thu hút đầu tư chọn lọc thay vì các dự án để lấp đầy KCN. Mới nhất, TP đã đưa ra chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong 10 năm tới. Trong đó, tập trung vào phát triển các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như linh kiện, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng. Hiện Đà Nẵng có khoảng 110 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm 6,3% tổng số DN toàn TP, nhưng giá trị tăng thêm của CNHT năm 2019 đạt trên 3,6 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 20 tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp TP. Theo kế hoạch, Đà Nẵng đặt mục tiêu 10 năm tới sẽ có trên 300 DN CNHT, trong đó ít nhất 15% là DN CNHT trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho DN sản xuất và lắp ráp. Ngoài ra, Đà Nẵng thu hút ít nhất mỗi lĩnh vực CNHT 1 Cty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào TP. Lúc đó, CNHT chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Có thể nói, từ nền tảng hạ tầng công nghiệp hiện có, định hướng phát triển cũng như hàng loạt dự án hạ tầng KCN được đầu tư, công nghiệp Đà Nẵng sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, vừa gia tăng quy mô kinh tế, vừa cân bằng hơn trong cơ cấu với dịch vụ, đảm bảo cho kinh tế TP phát triển nhanh, bền vững.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_234709_da-nang-dot-pha-ve-cong-nghiep-the-nao-bai-2-nang-.aspx