Đà Nẵng: Đơn vị nào đầu bảng, đội sổ về xử lý phản ánh của người dân?

Ngày 23/9, thông tin từ Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng cho hay, vừa có báo cáo thống kê kết quả của tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP xử lý ý kiến phản ánh của người dân từ ngày 01/01/2019 đến ngày 22/09/2019.

Theo đó, từ ngày 01/01/2019 đến ngày 22/09/2019, có 15 đơn vị thuộc khối sở, ban, ngành của TP Đà Nẵng nhận được ý kiến phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022 và Cổng Góp ý của TP Đà Nẵng. Trong đó có 08 đơn vị xử lý trễ hạn so với quy định, gồm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, các Sở Công thương, Du lịch, TT&TT, TN&MT, Tư pháp, Xây dựng và Y tế.

Người dân đến giao dịch với Sở GTVT Đà Nẵng tại bộ phận "Một cửa" ở trung tâm Hành chính TP (Ảnh: HC)

Người dân đến giao dịch với Sở GTVT Đà Nẵng tại bộ phận "Một cửa" ở trung tâm Hành chính TP (Ảnh: HC)

Đáng chú ý, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng chỉ có 01 phản ánh của người dân về vấn đề “an toàn vệ sinh tại TP du lịch” nhưng xử lý trễ hạn tới 91 ngày. Trong khi đó, Sở TN&MT Đà Nẵng “dẫn đầu” khối sở, ban, ngành về số lượng xử lý trễ hạn với 44 trường hợp, đồng thời “dẫn đầu” về thời gian trễ hạn với trường hợp chậm giải quyết chuyển quyền sử dụng đất theo quy định lên tới 106 ngày!

Một số sở khác cũng có các trường hợp xử lý trễ hạn kéo dài như Sở Xây dựng trễ hạn xử lý kiến nghị thay thế cây xanh trước nhà số 43 Quang Trung tới 96 ngày; Sở Du lịch trễ hạn 46 ngày trong việc xử lý phản ánh điêu khắc chữ Trung Quốc trên đỉnh Bàn Cờ (Sơn Trà); Sở Y tế trễ hạn 45 ngày trong việc xử lý phản ánh về thu phí giữ xe tại Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu…

Ngược lại, có 07 sở, ban, ngành không có trường hợp xử lý trễ hạn nào đối với các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân; gồm BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng; các Sở Giao thông vận tải, Giáo dục – Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao.

Trong đó, Sở GTVT Đà Nẵng nhận được số lượng phản ánh của người dân nhiều nhất khối sở, ban, ngành với 131 trường hợp và đều xử lý đúng hạn. Trao đổi với PV Infonet về kết quả này, ông Lê Thành Hưng, Chánh Văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, căn cứ quy chế phối hợp trong tiếp nhận và xử lý ý kiến của tổ chức, công dân qua Tổng đài 1022 và Cổng Góp ý của TP Đà Nẵng do UBND TP ban hành, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng đã đề ra quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin của Sở và quán triệt toàn ngành thực hiện nghiêm ngặt.

Theo đó, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng giao Văn phòng Sở làm đầu mối tiếp nhận thông tin phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, công dân trên Cổng Góp ý của TP; thực hiện phân loại nội dung kiến nghị của tổ chức, công dân; đề xuất Giám đốc Sở chuyển nội dung đến các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý thông tin trong thời gian sớm nhất, tối đa không quá 05 ngày làm việc. Đồng thời Văn phòng Sở có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và cập nhật trả lời cho tổ chức, công dân trên Cổng Góp ý của TP sau khi Giám đốc Sở duyệt nội dung.

Đối với kết quả xử lý ý kiến phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022 và Cổng Góp ý của TP Đà Nẵng từ ngày 01/01/2019 đến ngày 22/09/2019 của khối quận, huyện, Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng ghi nhận, Quận ủy Cẩm Lệ nhận được ít ý kiến phản ánh của người dân nhất, chỉ 02 trường hợp, nhưng cả 2 trường hợp này đều xử lý trễ hạn 3 – 4 ngày.

UBND quận Hải Châu nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân nhất với 424 trường hợp, trong đó có 108 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ hạn 33 ngày 4 giờ 32 phút đối với phản ánh về tình trạng nhếch nhác tại khu vực quy hoạch Công viên cây xanh Tố Hữu – Trần Đức Thảo – Hưng Hóa).

UBND huyện Hòa Vang nhận được 93 ý kiến phản ánh thì có 39 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ hạn 59 ngày đối với phản ánh về lò mổ gà vịt tại thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường).

UBND quận Cẩm Lệ nhận được 296 phản ánh, trong đó có 123 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ hạn 55 ngày đối với phản ánh nuôi chim bồ câu trong khu dân cư Hòa Nam 1 gây ô nhiễm).

UBND quận Liên Chiểu nhận được 299 phản ánh thì có 192 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ hạn 99 ngày 45 phút đối với phản ánh xây dựng lấn chiếm trái phép tại số 806 Tôn Đức Thắng).

UBND quận Sơn Trà nhận được 322 phản ánh thì có 123 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ 19 ngày 17 giờ 12 phút đối với phản ánh bán hàng rong trên đường Võ Nguyên Giáp).

UBND quận Thanh Khê nhận được 286 phản ánh, trong đó có 96 trường hợp xử lý trễ hạn (nhiều nhất là trễ hạn 27 ngày 22 giờ 15 phút đối với phản ánh cơ sở sản xuất nước đá 11 Nguyễn Đăng hoạt động gây ồn ào).

UBND quận Ngũ Hành Sơn nhận được 264 phản ánh thì có 120 trường hợp xử lý trễ hạn. Đáng chú ý trong đó có trường hợp trễ hạn lên tới 216 ngày (đối với phản ánh cơ sở hàn gò số 10 Ngô Thì Nhiệm gây ô nhiễm môi trường). Đây cũng là trường hợp có thời gian trễ hạn dài nhất trong cả hai khối sở, ban, ngành và quận, huyện!

Ngoài ra, quận Ngũ Hành Sơn còn có nhiều trường hợp trễ hạn khác cũng với thời gian rất dài như xử lý phản ánh không thu dọn rác tại số 67 Chương Dương (trễ hạn 99 ngày); bán hàng rong hát nhạc gây ồn ào trên đường Phan Tứ (trễ hạn 99 ngày); dự án đường Trần Hoành và nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu (trễ hạn 104 ngày); quán cơm Ngọc Sương xả nước và rác thải gây ô nhiễm (trễ hạn 104 ngày)…

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/da-nang-don-vi-nao-dau-bang-doi-so-ve-xu-ly-phan-anh-cua-nguoi-dan-post314047.info