Đà Nẵng: Đẩy mạnh áp dụng mô hình thông tin công trình trong ngành xây dựng
Ngày 19/7, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo 'Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng BIM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng'.

Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả áp dụng BIM.
BIM (Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng.
Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án 2500/QĐ-TTg về việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đây là văn bản chiến lược đầu tiên xác lập định hướng phát triển BIM gắn với mục tiêu tiết kiệm 10% chi phí xây dựng và rút ngắn 10% thời gian thi công.
Năm 2023, Quyết định 258/QĐ-TTg đặt ra lộ trình bắt buộc áp dụng BIM với các công trình cấp I từ 2023 và công trình cấp II từ năm 2025 trở đi.

Một đơn vị giới thiệu về áp dụng BIM tại công trình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận những thách thức hiện nay: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ; Thiếu hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, khung phân loại và thư viện dữ liệu BIM dùng chung; Thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng, đào tạo cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực BIM; Chưa có không gian thể chế để thử nghiệm các mô hình mới...
Đà Nẵng đã chọn thí điểm BIM đối với 4 dự án xây mới cấp II, áp dụng từ năm 2024. Hiện nay đã có 3/4 dự án triển khai: Nâng cấp cải tạo Trung tâm Y tế quận Ngũ hành Sơn; Trường tiểu học Lê Kim Lăng; Khu lưu trữ hiện hành Trung tâm hành chính thành phố. Còn 1 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị. Từ giai đoạn thí điểm đến nay, đã có 9 dự án áp dụng BIM trong giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng.
Thực trạng áp dụng BIM tại Việt Nam nói chung cũng như Đà Nẵng nói riêng vẫn còn ở giai đoạn phát triển và chưa được phổ biến rộng rãi. Việc áp dụng BIM còn phân mảnh, thiếu chiều sâu, chưa được triển khai rộng rãi tại các công trình có vốn đầu tư công.

Các đơn vị ký kết hợp tác trong đào tạo, tư vấn, chia sẻ dữ liệu...
Để triển khai mô hình BIM trong hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhanh, rộng, thực chất và hiệu quả, một số giải pháp được đề xuất như: Có Đề án áp dụng BIM giai đoạn 2025-2030 và kế hoạch 10 năm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong hoạt động xây dựng; Kết nối giữa nhà nước-doanh nghiệp-trường đại học để phát triển đội ngũ chuyên gia BIM đa tầng; hình thành cộng đồng BIM; Lựa chọn một số dự án đầu tư công tiêu biểu để thí điểm, qua đó hoàn thiện cơ chế chính sách, chuẩn hóa quy trình và đánh giá hiệu quả thực tế…
Tại Hội thảo, các đơn vị tham gia đã ký kết và bày tỏ mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, tư vấn, chia sẻ dữ liệu và tiêu chuẩn BIM, cho thấy một tinh thần liên kết công – tư mạnh mẽ và cam kết đồng hành lâu dài.