Đà Nẵng đau đầu vì biển bị ô nhiễm bởi nước thải

Lợi dụng trời mưa, nhiều công trình lén xả thải khiến cả vùng biển du lịch Đà Nẵng đen ngòm. Thậm chí, ngày nắng, nước thải từ các đường cống đổ ra biển bốc mùi hôi thối, ngành du lịch Đà Nẵng đứng trước tình trạng báo động khi du khách phải bịt mũi, không dám tắm biển ở nhiều khu vực. Trong khi đó, dù thể hiện quyết tâm và nỗ lực nhưng chính quyền Đà Nẵng vẫn đang rất đau đầu với tình trạng trên do du lịch và hạ tầng phát triển quá nóng.

Cống xả thải khiến bãi biển Đà Nẵng đen ngòm, bốc mùi. Nhiều công trình lợi dụng xả thải khi mưa càng làm tình trạng ô nhiễm nặng hơn.

Công trình ven biển dày đặc, xả thải đen ngòm bờ biển

Giữa tháng 4 vừa qua, lực lượng liên ngành do Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng chủ trì, đã bắt quả tang hai công trình lén lút xả thải chưa qua xử lý ra biển Đà Nẵng. Ông Lê Văn Tuấn- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho biết Sở vừa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện hai công trình đang có hành vi xả nước thải trái phép ra biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà).

Cụ thể, vào khoảng 19h35 tối 15.4, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện công trình khách sạn Brilliant Seafood (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) đang có hành vi xả nước ngầm chưa qua xử lý ra môi trường.

Cùng thời điểm trên, Sở Xây dựng phối hợp với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Đội Quy tắc đô thị quận Sơn Trà và UBND phường Phước Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện công trình khách sạn Tiến Đạt đang thi công nằm trên đường Lâm Hoành– Võ Văn Kiệt (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) có hành vi xả nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị ra khu vực biển Mỹ Khê.

Cả hai khách công trình này bị lập biên bản. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng lập biên bản các công trình ven biển xả thải sai quy định bởi nhiều bờ biển và cống xả ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục bị nhuộm đen. Bên cạnh đó, hơn 2 năm nay, câu chuyện biển Đà Nẵng bị ô nhiễm đã và đang khiến người dân bức xúc. Suốt dọc tuyến biển của Đà Nẵng hiện nay có đến 44 cửa xả trực tiếp ra biển. Đây thực sự là nguy cơ, thách thức làm cho sức cạnh tranh cũng như sự hấp dẫn của thành phố bị giảm sút.

“Nếu trước đây chỉ có trời mưa mới khiến bờ biển bị sạt lở thì nay bất kể trời nắng hay mưa, nước thải đổ ra với tốc độ lớn làm bờ biển trở nên nham nhở, nước biển tại vùng này hóa đen ngòm và bốc mùi. Người dân không thể buôn bán hay làm du lịch được. Du khách đến tham quan bãi biển phải bịt mũi, nhảy qua những khe nước đen. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay mọi giải pháp chỉ tạm thời” – chị Nguyễn Hoa, người dân quận Sơn Trà cho hay.

Đặc biệt, khối lượng nước thải tăng cao do áp lực hạ tầng tại khu vực ven biển Đà Nẵng đang ở mức vượt quá giới hạn. Dọc các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa và lân cận, hàng nghìn khách sạn, nhà cao tầng mọc lên. Không chỉ gây ách tắc giao thông, hệ lụy của việc phát triển quá nóng của nhà cửa, dân cư cũng đe dọa đến nước sạch bị thiếu và nước thải đổ ra biển thì ngày càng nhiều.

Chính quyền Đà Nẵng “đau đầu”

Năm 2018, tại nhiều cuộc gặp báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Đà Nẵng nhấn mạnh, thu gom và xử lý nước thải là công trình trọng điểm của Đà Nẵng năm 2018, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải ra môi trường khiến người dân bức xúc thời gian qua.

Về tình trạng nước thải đen ngòm xả ra biển khi trời mưa, ông Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, tốc độ gia tăng dân số, nhà cao tầng, khách sạn tăng trưởng nóng nên hệ thống xử lý nước thải quá tải. Trong khi đó, công nghệ thoát nước vẫn còn là hệ thống gom nước chung. Sắp tới đây, tại 2 phường Khuê Mỹ và Mỹ An quận Ngũ Hành Sơn, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, yêu cầu nhà dân và khách sạn tách riêng nước mưa và nước thải. Đồng thời, tiến hành súc rửa đường ống, lắp đặt thêm lọc rác nâng cao khả năng xử lý nước thải.

Công trình Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (đường Trần Nam Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cũng đang trong giai đoạn xây dựng. Đây là công trình thuộc gói thầu nâng công suất xử lý nước thải của trạm từ 20.000 m3 lên 40.000 m3/ngày đêm, vận hành và bảo dưỡng trong 5 năm, thuộc dự án Phát triển bền vững TP.Đà Nẵng. Phía nhà thầu cho biết công trình sẽ vận hành thử nghiệm đến tháng 2.2019.

Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân sau khi nâng gấp đôi công suất trước mắt góp phần thu gom tuyến ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu vực Hòa Cường (Q.Hải Châu) và Cẩm Lệ, sau đó TP tiếp tục đầu tư giải quyết cho phía Nguyễn Tất Thành.

“Hiện nay tình trạng xả thải ven biển rất đau đầu, hầu như tại các cửa xả cứ hết mưa là lại hôi, nên công tác nâng cấp nhà máy xử lý nước thải không thể chậm hơn được nữa, các đơn vị đẩy nhanh đấu nối ống thu gom, Trạm Hòa Xuân hoạt động sẽ giảm tải cho Trạm Ngũ Hành Sơn, Trạm Sơn Trà cũng được nâng cấp, để khép lại vấn đề ô nhiễm xả thải ven biển, là vùng trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của thành phố”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Ông Thơ khẳng định Đà Nẵng sẽ ưu tiên vốn, đồng thời yêu cầu các ban quản lý, nhà thầu tập trung toàn bộ nhân lực vật lực, đảm bảo công trình vượt tiến độ và kỹ thuật. Bởi, nếu không cứu bãi biển ngay bây giờ, Đà Nẵng sẽ chịu nhiều thiệt hại về ngành du lịch – dịch vụ trong tương lai rất gần.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/da-nang-dau-dau-vi-bien-bi-o-nhiem-boi-nuoc-thai-604767.ldo