Đà Nẵng: Dân lao động e dè trước khi về quê ăn Tết

Dịch khiến cuộc sống của công nhân, người lao động xa quê gặp nhiều khó khăn. Thời gian thích ứng trở lại với công việc chưa bao nhiêu thì lại năm hết Tết đến.

Người lao động làm việc tại Đà Nẵng.

Người lao động làm việc tại Đà Nẵng.

Về quê hay ở lại mưu sinh vẫn đang còn bỏ ngỏ vì câu chuyện cơm áo gạo tiền và dịch bệnh…

Chuyện về quê đón Tết vẫn còn “bỏ ngỏ”

Anh Nguyễn Đặng Tú Anh (25 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở TP Đà Nẵng) cho biết, từ lúc dịch bùng phát trở lại, anh cũng hạn chế về thăm nhà. Theo anh Anh, nguyên nhân vì tâm lý e ngại, vì mỗi ngày các tỉnh, thành đều phát hiện rất nhiều ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều ca cộng đồng. Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nên anh Anh cũng sợ lỡ có nhiễm bệnh về nhà lây cho bố mẹ.

“Mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhưng nhiều hàng xóm ở quê họ cũng e ngại người từ các TP lớn về, điều này khiến mình băn khoăn liệu có nên về quê hay không”, Tú Anh nói.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Trâm (34 tuổi, quê Quảng Trị) làm việc tại Trường Đại học CNTT&TT Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho hay, chị tất bật gọi điện cho các cơ sở y tế, cơ quan chuyên môn ở địa phương hỏi về các quy định phòng chống dịch bệnh ở quê nhà để có thể yên tâm về quê.

Do đặc thù làm việc online nên năm nay chị Trâm xin nghỉ phép về quê trước 29 Tết Âm lịch khoảng 7 ngày, để vừa có thời gian tự theo dõi sức khỏe, vừa phòng trường hợp lỡ mắc bệnh sẽ không ảnh hưởng đến người thân, hàng xóm.

“Mặc dù, mọi thành viên trong gia đình mình đều tiêm vắc-xin, nhưng khả năng mắc Covid-19 trở lại vẫn có, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cho cộng đồng, nên cẩn thận sẽ tốt hơn cho mọi người” – chị Trâm cho hay.

Còn chị Đinh Mỹ Hậu (SN 1988, quê Quảng Bình), công nhân tại HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết mình quyết định sẽ ở lại thành phố để đón Tết. Môi trường làm việc khép kín, mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm công nhân, chị e ngại không dám về quê vì sợ lây dịch cho người nhà.

“Tôi đăng ký tăng ca dịp Tết để tăng thêm thu nhập. Chồng và con sẽ về quê đón Tết sớm. Năm thứ 3 không về Tết, tuy buồn nhưng phải đặt an toàn lên trên hết”, chị Hậu chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc HTX Mây tre An Khê - cho hay, ngoài đảm bảo lương, các phụ cấp, đến dịp Tết đơn vị cũng sẽ có thưởng cho người lao động. “Dù ít hay nhiều cũng có thưởng để mọi người cùng vui”, ông Hoàng cho biết.

Bên cạnh khối sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ logistics cũng đã lên kế hoạch thưởng Tết.

Ông Trần Phước Hồng - Giám đốc Công ty Logistics Cảng Đà Nẵng - cho biết đến thời điểm hiện tại, dù doanh thu đơn vị đã cơ bản đạt mục tiêu nhưng lợi nhuận đạt được thấp hơn. Dù vậy, đơn vị vẫn có kế hoạch thưởng Tết. Dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch 2022 dao động từ 2 đến 10 triệu đồng tùy vị trí.

Thưởng Tết Âm lịch từ 1 đến 2 tháng lương. Ông Hồng cho biết mức thưởng có giảm khoảng 20% so với 2021. Tuy nhiên, để đảm bảo thưởng Tết đầy đủ, đơn vị đã phải cắt giảm những chi tiêu không cần thiết. Tất cả nhằm tri ân sự gắn bó, đồng hành của người lao động.

Còn anh Nguyễn Xuân Tiến (46 tuổi, quê Nghệ An) đang làm phóng viên tại Đà Nẵng cho hay, anh và vợ dự định năm 2022 sẽ vẫn ở lại TP Đà Nẵng đón Tết. Vợ anh Tiến làm ở một bệnh viện tại thành phố. Mặc dù, hai vợ chồng thường xuyên được xét nghiệm và tiêm đủ mũi vắc-xin nhưng cả 2 cũng khá lo lắng trong thời điểm này vì dịch quá phức tạp.

“Đi làm xa quê mỗi năm về được 1 – 2 lần nhưng từ năm ngoái đến nay 2 vợ chồng cùng con cái chưa về lần nào vì dịch. Tết năm ngoái 2 vợ chồng cũng không về quê do dịch. Nhớ quê lắm, nhưng giờ vẫn bỏ ngỏ không biết có nên về không. Vì mình cũng phải đặt an toàn cho gia đình lên trên hết”, anh Tiến chia sẻ.

Hỗ trợ để “mọi người cùng có Tết”

Nhằm hỗ trợ cho người dân lao động trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương kéo dài, bị giảm thu nhập không đảm bảo đời sống, bị ngừng việc từ 4 tháng trở lên, đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi… Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết.

Ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng - cho biết, các kế hoạch đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gồm chương trình “Tết không xa nhà”, “Phiên chợ Tết Công nhân năm 2022”, chương trình “Chuyến xe Công đoàn” đưa đoàn viên và người lao động về quê đón Tết, chương trình tặng “Túi an sinh Công đoàn”, thăm hỏi các gia đình đoàn viên và người lao động các địa phương ở lại Đà Nẵng đón Tết…

“Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng sẽ tăng cường nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ tốt nhất, nhiều nhất cho đoàn viên, người lao động khó khăn. Mục tiêu chung là giúp họ ở lại cùng doanh nghiệp đón Tết, đồng hành với người sử dụng lao động trong tiến trình phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Minh nhấn mạnh.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động TP thống nhất sẽ trao quà hỗ trợ cho 14.800 đoàn viên, người lao động. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố trao hỗ trợ 3.500 người, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trao hỗ trợ 11.300 người, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người.

Trao hỗ trợ quà cho 52 tổ công nhân tự quản, hơn 1.600 công nhân lao động ở lại Tết tại các tổ công nhân tự quản, 95 phụ nữ đơn thân, 351 hộ gia đình tại Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm và Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, thăm 40 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với kinh phí 280 triệu đồng...

Ông Minh khẳng định: “Với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, vui Tết, các cấp công đoàn thành phố thường xuyên rà soát, nắm tình hình đời sống, các chế độ chính sách của đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Mỗi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm trao hỗ trợ để kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn.

Cán bộ Công đoàn sẽ tích cực vận động hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên, người lao động về quê đảm bảo an toàn, thuận tiện chu đáo, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/da-nang-dan-lao-dong-e-de-truoc-khi-ve-que-an-tet-flcTtQA7g.html